Chương trình Chắp cánh ước mơ kì này có dịp đến với huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, vùng đất ven biển đầy nắng gió. Nơi miền đất này, chúng tôi tìm gặp những con người lớn lên trong gió biển và trưởng thành trong giông bão cuộc đời. Nhưng giữa những tháng ngày khắc nghiệt đó, con người vẫn dành cho nhau những tình cảm đẹp và đáng quý. Hoàn cảnh của đôi vợ chồng già bà Lâm Thị Hà và ông Nguyễn Văn Thông ở ấp Lung Chim, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là một câu chuyện như vậy.
Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 362: Bà Lâm Thị Hà
Lắng nghe tâm sự của bà, chúng tôi mới hiểu hết tình cảm lớn lao và sự cảm thông sâu sắc của ông bà dành cho đứa con dâu và đứa cháu nội chịu nhiều tổn thương, mất mát, bởi hơn ai hết, ông bà từng thấm thía nỗi mất mát ấy.
Vậy là gian nhà tạm bợ này trở thành nơi tá túc của ông bà sau quãng đời nhiều thăng trầm, biến cố. Vừa được dựng cất với sự hỗ trợ của địa, trên mảnh đất của một người em, mái nhà nơi mé sông này cũng bị sạc lỡ, xuất hiện nhiều vết nứt, khó nhất là trong nhà thường xuyên vắng người đàn ông trụ cột, chỉ có bà Hà và con gái phải chống chọi với bao hiểm nguy vì căn nhà có thể bị sạc lỡ bất cứ lúc nào. Và đó cũng chính là nỗi trăn trở, băn khoăn của người trụ cột gia đình như ông Thông trong những chuyến mưu sinh xa nhà. Thế nên, ước mơ về một mái nhà bình yên, lành lẽ thực sự cho đời mình vẫn luôn là nỗi khát khao với từng thành viên trong gia đình này để tất cả cùng nhau cố gắng.
Chính những yêu thương được được nuôi dưỡng từ sự cảm thông của hai cuộc đời chịu nhiều bất hạnh là động lực để gia đình này kiên trì gắn bó với những công việc lắm phần gian nan vượt qua khó nghèo.
Có đến nơi làm việc của ông Thông, chồng bà Hà, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm mà ông đã dành cho gia đình với những ngày chịu cực, chịu khổ.
Dưới cái nắng như rát da, người đàn ông này vẫn kiên trì trộn từng mẻ hồ, gom từng xe gạch với công việc phụ hồ. Khó khăn lớn nhất với ông là sức khỏe. Năm nay đã ngoài sáu mươi, cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi vậy mà ông phải vật lộn với cuộc mưu sinh lắm phần cực nhọc, có hôm chứng thoái hóa cột sống hành hạ với những cơn đau âm ỉ mà ông vẫn ráng gượng dậy đi làm. Bôn ba đủ nơi trên các tỉnh miền Đông ông chỉ mang theo niềm hi vọng lớn nhất là vợ và con nơi quê nhà sẽ vơi phần cực nhọc, thiếu thốn.
Có lẽ vì đời ông đã trải qua bao khổ cực, mất mát khi người vợ trước và đứa con trai duy nhất đã lần lượt bỏ ông ra đi, nên ông muốn dành hết yêu thương còn lại cho gia đình thứ hai.
Nơi quê nhà, bà Hà cũng đang từng ngày vun vén cho tổ ấm nhỏ bằng những yêu thương bình dị. Đến với ông Thông bằng cái duyên giữa một người phụ nữ lỡ thì và một người đàn ông đã qua một đời vợ, sau bao bỡ ngỡ thì hai người cũng tìm gặp hạnh phúc từ sự cảm thông sâu sắc cho hai cuộc đời chịu nhiều bất hạnh. Dù đến với nhau bằng cái duyên muộn màng, nhưng hạnh phúc vẫn đông đầy nơi nếp nhà nhỏ đơn sơ, tình cảm chân thành của bà như xoa diệu những đớn đau hằn sâu nơi tâm hồn của người đàn ông chịu nhiều bất hạnh…
Dù sức khỏe của tuổi già đã suy yếu với nhiều căn bệnh như thoái hóa cột sống, sỏi thận nhưng bà vẫn kiên nhẫn làm nhiều công việc khác nhau để san sẻ gánh nặng trên vai chồng. Những lúc rảnh rỗi, bà dành thời gian cho công việc kết thảm. Cặm cụi bên công việc từ sớm tới tối, nhưng mỗi ngày bà chỉ kiếm được gần 20 ngàn, ít ỏi là vậy nhưng bà vẫn kiên trì gắn bó với công việc để kiếm ít tiền mua gạo.
Có những ngày được người ta nhờ đi giữ trẻ, bà cũng đi. Số tiền 50 cho mỗi ngày giữ trẻ nhưng quý biết bao đối với gia đình bà, dù công việc này không được đều đặn. Mỗi sự cố gắng từ nhiều công việc khác nhau là bấy nhiêu yêu thương ấp áp, bình dị mà người vợ, người mẹ muốn dành trọn cho gia đình giữa khó khăn của đời nghèo.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh thiếu thốn của khó nghèo, nên từ nhỏ An đã sớm ý thức về hoàn cảnh gia đình. Sau mỗi giờ học em đều dành thời thời gian phụ mẹ để làm việc nhà như muốn san sẻ những vất vả đang từng ngày chất chồng trên vai người mẹ nghèo bệnh tật.
Góc học tập của em đơn sơ với chiếc bàn nhỏ và vài vật dụng cần thiết, nhưng nơi đó em ấp ủ bao ước mơ đẹp từ con chữ. Thiếu thốn từ quyển tập, cuốn sách, những năm tháng qua với cô trò nhỏ là bao cố gắng vượt lên trên những khó khăn đó để mang về thành tích học sinh giỏi, học sinh tiến tiến nhiều năm liền. Vì em hiểu mỗi ngày mình đến lớp là kết tinh của những yêu thương và hi vọng của đấng sinh thành dành cho mình với một tương lai bình yên, tươi sáng.
|
Cẩm Nhường