Có mặt tại 1 bãi khai thác nghêu thuộc thị xã Hà Tiên, chúng tôi gặp anh Trần Văn Phương – nhân vật của chương trình kỳ này đang hăng say với công việc quen thuộc. Rời gia đình đi làm thuê tứ xứ đã nhiều năm nay, thu nhập từ công việc của anh là nguồn sống chủ yếu để trang trải chi tiêu trong gia đình 4 người.
Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 361: Chị Thang Thị Đào
Dưới những cơn nắng rát da vùng biển, câu chuyện tha hương của người đàn ông nghèo mang theo nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là những suy tư chất nặng trong lòng khi nghĩ đến điều kiện sống của vợ con mình nơi quê nhà.
Lắng nghe những trải lòng nhiều trăn trở của anh Phương về điều kiện sống của gia đình, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi đến ấp Thạnh Tây B, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang để gặp gỡ chị Thang Thị Đào – vợ anh cùng các con. Tiến sâu vào vùng đất Miệt Thứ còn lắm hoang sơ mới thấy được cuộc sống của bà con nơi đây quanh năm ít nhiều phụ thuộc vào nguồn lợi thiên nhiên mang đến. Trên những dòng sông, từng con nước cứ lập lờ mang nhiều tôm cá giúp không ít bà con nghèo không đất đai canh tác có thể sống được qua ngày nhờ vào việc đặt nò, đặt dớn.
Xuôi dòng kênh nhỏ, chúng tôi gặp chị Đào, vợ anh Phương đang loay hoay với những chiếc dớn là phương tiện mưu sinh của 3 mẹ con hàng ngày. Công việc sông nước nhiều nguy hiểm và thử thách như mở ra cho chúng tôi câu chuyện nhiều trăn trở với bao năm lênh đênh trên sông nước của gia đình này.
Vò võ một mình nuôi con nhưng bằng niềm tin và sự lạc quan của mình, chị Đào lại biến những thách thức của cuộc sống trở thành cơ hội cho những đứa con ngoan của mình thực hiện giấc mơ học tập. Quen rồi với những nắng gió của vùng đất hoang sơ lắm chua nhiều mặn, cứ đều đặn mỗi ngày, chị Đào khi thì một mình, khi thì cùng các con thả dớn kiếm cá đổi lấy miếng ăn cho gia đình khi anh Phương vắng nhà. Chút ít cá tôm chỉ đổi được chừng mười mấy ngàn đồng, nhưng với chị đó là hạnh phúc tận sâu trong lòng vì sự cố gắng của mình được đáp đền và bản thân có quyền hi vọng về những điều lớn lao hơn.
Luôn sống lạc quan, tin tưởng, nhưng có lẽ trong lòng chị Đào vẫn không tránh khỏi những bồn chồn lo lắng, khi những lần nghĩ đến chồng phải một thân một mình vất vả nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với nguy hiểm trăm bề cốt chỉ mong sao cuộc sống của vợ con ngày nào đó sẽ được ổn định.
Cùng chị về thăm nhà, chúng tôi hiểu hơn về những lo lắng của anh Phương trong những lúc đi làm xa khi điều kiện sống của 3 mẹ con chị Đào chẳng hề an toàn. Là phần hiên nhà của cha mẹ được nối rộng để có đủ chỗ sinh hoạt cho 4 thành viên, căn nhà với diện tích ngót nghét chưa đầy 20 m2 được chắp vá bằng mớ cây gỗ từ ngôi nhà cũ bị sập. Lớp lá cũ được thay bằng lớp lá mới, dần dà cũng tả tơi, trống trải nhường chổ cho những giọt nắng len vào. Không biết mấy mẹ con rồi sẽ xoay sở ra sao giữa mùa mưa khi vùng quê này khá gần biển nên giông gió nhiều hơn những nơi khác?… khi mà cái ăn còn chưa no thì nỗi lo đã tới?
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", thương chồng cực nhọc làm lụng chẳng màng đến sức khỏe để lo lắng cho gia đình, chị Đào lấy đó làm động lực để thay anh quán xuyến mọi chuyện trong nhà, chăm sóc cho 2 con để anh có thể yên tâm những lúc đi xa. Trong căn nhà chật chội, chỗ sinh hoạt, chỗ ăn, chỗ ngủ được gom lại thành 1, riêng khoảnh nhỏ được chị tận dụng để bán thêm ít hàng bánh cho bà con để có đồng ra đồng vào. Lấy ngắn nuôi dài, những đồng lời chắt chiu được chị gom góp mua thêm quyển vở, cây viết cho con, bao nhiêu đó cũng đủ giúp chị quên đi những mệt mỏi của cuộc sống mà lo cho các con có thể vững lòng thực hiện ước mơ đổi đời bằng con chữ.
Quyết tâm làm việc để cùng chồng gánh vác gia đình, vậy nên dù căn bệnh loét bao tử nhiều năm qua chẳng được chữa trị, sức lực ngày thêm hao mòn nhưng không vì thế mà quyết tâm thoát khỏi khó nghèo nơi chị bị vùi lấp. Chọn những việc phù hợp với sức khỏe, hằng ngày ngoài đặt nò, đặt dớn trên sông, chị Đào lại cố gắng chăm chút cho bầy vịt con để có thêm ít thu nhập về sau cho con đi học. Thương chị, bà con lối xóm lại nhiệt tình cho mượn khoảnh đất nhỏ gần nhà dựng tạm cái chuồng để chị có điều kiện tới lui chăm nom mỗi buổi. Trong cái nghèo bủa vây, chúng tôi thấy được tình người của bà con dành cho nhau như ngọn lửa ấm thắp lên hi vọng đẩy lùi tháng ngày cơ cực.
Nét mực xanh mang theo ước mơ của mẹ cha giữa chặng đường mưu sinh đầy gian khó, mỗi ngày đến trường với Thiện và Thể ngoài niềm vui còn là cơ hội thay đổi số phận được hai em trân quý. Vượt qua những thiếu hụt cả nhà phải chịu đựng hằng ngày, chúng tôi vẫn thấy những tấm giấy khen hằng năm được các em đều đặn mang về làm quà cho cha mẹ. Bao giọt mồ hôi rơi xuống để tưới mát và ươm mầm cho hạt giống tương lai các con, chúng tôi tin, những cố gắng hôm nay của anh chị sẽ được đáp đền, trước nhất là tấm lòng hiếu thảo và sự quyết tâm học tập của hai đứa con ngoan hiền luôn dành trọn yêu thương cho cha mẹ.
Tạm rời miệt thứ, chúng tôi có dịp theo chân anh Phương quay lại thị xã Hà Tiên để có thể tận mắt chứng kiến cuộc sống lao động của anh những ngày theo các đoàn ghe đánh cá. Công việc nặng nhọc đầy rẫy những nguy hiểm khi phải đối mặt với sóng to gió lớn, cả những chuyển biến thất thường không thể lường trước của thời tiết để anh có thể nhận về mỗi tháng từ 2- 3 triệu đồng cho vợ con. Lênh đênh trên biển ròng rã nhiều ngày liền, vị mặn của nước biển dưới cái nắng gắt đỏ rát thịt da nhưng với anh, công việc này là niềm vui khi những cố gắng của mình có thể chăm chút cho gia đình nhỏ. Trong lòng anh, bao năm qua, cái nghèo cũng như những con sóng dập dềnh cuốn trôi bao khát khao, mơ ước bình dị mà hai vợ chồng cố gắng vun vén cho cuộc sống nhưng chưa bao giờ anh cho phép mình từ bỏ cơ hội đổi đời ở tương lai, nhất là khi hai con của mình luôn ngoan ngoãn và chăm chỉ ra sức học tập.
Con sóng nào rồi cũng vào bờ, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi khi chúng ta biết trân trọng cơ hội đổi thay bắt đầu cuộc sống mới. Những nỗ lực của anh Phương mỗi ngày đâu chỉ là để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, kiếm lấy cái ăn cho vợ và các con mà hơn hết còn là những cố gắng cho tương lai các con ngày mai.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Chị Thang Thị Đào, ấp Thạnh Tây B, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. 2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706 250 555 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. – Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long. |
Phương Thảo