Chuyến hành trình lần này, Chắp cánh ước mơ có dịp đến với huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang – nơi từng là trung tâm mua bán gạo của vùng ngày xưa. Nhưng cũng ở địa phương này, ngày nay, một số hộ nghèo như gia đình của ông Phạm Văn Phước ở ấp Trung Chánh, xã Trung Hòa vẫn còn nặng trĩu bao nỗi âu lo vì thiếu gạo, cuộc sống được đong đếm với từng ngày làm thuê vất vả, nhất là kể từ khi vợ ông bất ngờ bị tai biến nặng ba năm nay.

Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 353: Ông Phạm Văn Phước

Ông Phạm Văn Phước – người đàn ông gần 70 tuổi phải vừa lo thuốc thang, chăm sóc vợ, vừa lo cho đứa cháu nhỏ mồ côi đang tuổi ăn học với bao nhiêu công việc nặng nhọc khiến chúng tôi không khỏi xót xa, trăn trở.

Từ ngày hai người con gái của ông bà theo chồng, gian nhà nhỏ thêm phần trống trải, lạnh lẽo, khi giờ đây chỉ còn hai ông bà và một đứa cháu nhỏ nương tựa vào nhau. Trước đây, khi bà chưa phát bệnh, gia đình chẳng đến nỗi túng thiếu vì bà có thể phụ ông lao động kiếm thêm thu nhập. Nhưng từ ngày bà phát bệnh, hoàn cảnh rơi vào khó khăn cùng cực khi bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên vai người đàn ông này. Và giữa những ngày tháng gian nan ấy mới thấy hết được tình cảm mà ông dành cho vợ mình. Một tay ông lo chuyện cơm áo mưu sinh, một tay ông lo lắng cho bà từ những sinh hoạt nhỏ nhất…

Ông Phước chăm sóc cho vợ trong lúc bà Anh đeo mang bệnh tật, không còn sức khỏe

Có những ngày căn bệnh tai biến hành hạ với những mệt mỏi rã rời, bà Anh không tránh khỏi những lúc tuyệt vọng, bế tắc. Giữa lúc đó, ông Phước cũng luôn là người bên cạnh để động viên vực dậy trong bà niềm tin, hi vọng để cố gắng vượt qua bệnh tật. Vì thế dẫu có lúc rơi vào tận cùng của nỗi đau, bà vẫn tìm thấy sự ấm áp từ tấm chân tình mà người bạn đời đã dành trọn một đời vun vén.

Từ ngày bà lâm bệnh, khó khăn như chồng chất rồi mái nhà cũng ngã nghiêng, xiêu vẹo, mà gia đình vẫn chưa có điều kiện sửa sang. Mấy mươi năm dựng cất, cột nhà đã mục gần hết, vách lá cũng bạc màu rách nát mà vẫn chưa được thay mới. Hơn 5 năm căn nhà xuống cấp cũng là ngần ấy thời gian gia đình sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi căn nhà cứ rung theo từng đợt gió lùa, chẳng biết đổ sập lúc nào. Nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng, ước mơ về một ngôi nhà mới lành lặn hơn vẫn còn mãi nặng gánh cơm áo mà chẳng thể nào thực hiện được.

Gần 70, cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, nhưng với ông Phước thì vẫn chưa có một ngày bình yên thực sự. Tuổi cao, sức khỏe ngày một yếu đi, đôi chân đã không còn vững vàng sau lần té ngã, ảnh hưởng tới xương nhưng ông vẫn phải gồng gánh chuyện cơm áo từng ngày bằng những công việc thuê mướn nặng nhọc, bấp bênh. Có những ngày, đôi chân đau nhức ê ẩm, nhưng ông vẫn cố gượng dậy để tiếp tục làm việc. Bởi nỗi ám ảnh về những ngày vợ đau đớn do thiếu thuốc, đứa cháu nhỏ xanh xao vì những bữa cơm đơn sơ, thiếu thốn chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí của người đàn ông trụ cột luôn hết mình vì gia đình.

Tuổi cao, ông Phước vẫn phải gồng gánh gia đình bằng những công việc làm thuê nặng nhọc

Tài sản còn lại quý nhất của ông là mảnh vườn do ông bà để lại. Nhiều lúc gia đình thắt ngặt, bế tắc mà ông cũng không nỡ bán đi, một phần vì muốn lưu giữ kỉ niệm của ông bà, một phần vì đây là chỗ dựa kinh tế duy nhất của gia đình dù ít ỏi với vài gốc dừa, bờ chuối huê lợi chẳng được bao nhiêu. Thời gian còn lại sau những bận rộn, ông dành hết cho góc vườn nhỏ, dọn cỏ, róc nhánh,…cặm cụi làm lụng với một niềm hy vọng cho tương lai một ngày sẽ nở hoa từ những cố gắng không ngừng nghỉ hôm nay.

Nhắc về nỗi bất hạnh của đứa cháu mình cưu mang, người đàn ông này lại một lần nữa không giấu được nỗi nghẹn ngào, đằng sau những giọt nước mắt ấy là sự cảm thông, tình yêu thương của một người ông và cả nỗi ngậm ngùi của một người cha trước hạnh phúc mong manh của đứa con gái đường đời lận đận. Để rồi, dù khó khăn cách mấy, ông cũng muốn dành hết tình thương cho đứa cháu nhỏ như xoa dịu sự lạnh lẽo trong em khi sớm thiếu vắng vòng tay chở che của cha mẹ, cho cháu được đến trường như chúng bạn. Mỗi năm học mới bắt đầu, tiếng trống trường rộn rã là ông Phước lại trăn trở bao nỗi lo nhưng có niềm vui nào lớn lao hơn khi thấy Făng hăng say học tập, niềm vui cứ rộn ràng trên gương mặt trẻ thơ.

Như đáp lại tình thương bao dung của ông, Făng luôn cố gắng chăm chỉ học hành, hiếu thảo với ông bà. Sau mỗi giờ học, em lại ra vườn phụ ông chăm sóc cây cối vườn tược, rồi lại tất tả phụ ông chuyện bếp núc. Mỗi một cử chỉ quan tâm của các thành viên dành cho nhau dù giản đơn, lặng thầm, nhưng luôn ấm áp…để rồi bao khó nghèo như tạm lùi xa, còn đó là những ước mơ tuổi thơ trong trẻo, cái nghĩa vợ chồng thêm sâu nặng và… hai chữ thâm tình lại càng thêm bền chặt. 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Ông Phạm Văn Phước, ấp Trung Chánh, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *