Ngày nào cũng vậy, khi phiên chợ quê vừa bắt đầu nhộn nhịp người ta đã bắt gặp hình ảnh chị Búp cặm cụi bên mâm bánh cam quen thuộc, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Để có được những chiếc bánh cam thật ngon bán cho khách, chị phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị cho các khâu nhào bột, làm nhân, nặn bánh cho đến chiên bánh…sau mỗi buổi chợ tan chị chỉ mang về cho gia đình vỏn vẹn 40- 50 ngàn đồng. Dù có nhọc nhằn vất vả, nhưng người mẹ, người vợ vẫn hết lòng tận tụy với công việc, niềm mong mỏi gia đình sẽ bớt phần chật vật, hai đứa con trai sẽ được tiếp tục đến trường trong chị chưa bao giờ nguôi ngoai.
Sau một đêm ròng rã mưu sinh, trở về nhà, chị chẳng thể có những giây phút ngơi nghỉ mà phải tất bật với chuyện bếp núc. Mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với người dì, nỗi mất mát thiếu thốn khi vắng đi một vòng tay yêu thương của những người cha người mẹ khiến chị không ít lần buồn tủi. Nhưng từ chính những mất mát ấy đã rèn cho chị sự kiên cường, mạnh mẽ để bước qua những đoạn đường chông chênh, khúc khuỷu của cuộc đời.
Thương người phụ nữ đam đang, tháo vát, và như cảm thông cho một tuổi thơ chịu nhiều bất hạnh, Hồng Văn Tuấn, người đàn ông cùng quê đã nguyện gắn bó cùng chị, mong rằng tình yêu thương của mình sẽ phần nào bù đắp cho những tủi buồn mất mát trong chị. Nhưng mười mấy năm cưới nhau, bao nhiêu khó khăn cứ chồng chất, cuộc sống anh chị cứ mãi lênh đênh khắp nơi với đủ nghề thuê mướn, có khi cả gia đình anh phải dắt díu lên tận các tỉnh miền Đông để mưu sinh… Cuộc sống bôn ba nơi xứ người cũng chật vật khó khăn nên anh chị phải lặng lẽ về quê và gắn bó với nghề bán bánh cam và bánh bao. Thế nhưng, sóng gió bất ngờ ập tới khi anh bị phỏng nước sôi trong một lần qua đò và phải nằm viện hơn hai tháng ròng rã… Những ngày tháng khó khăn ấy mãi mãi kỉ niệm không thể quên trong anh với chuỗi ngày bất lực khi để gia đình cho một mình chị lo toan gánh vác…
Tất tả mưu sinh đủ nghề, để rồi mấy năm nay anh phải đối mặt với căn bệnh thoái hóa cột sống với những cơn đau nhức dữ dội và không ít lần công việc phải dang dở giữa chừng nhưng anh chỉ có thể điều trị bằng những thang thuốc nam cho qua cơn đau nhức. Nén lại đớn đau, anh lại tiếp tục bươn chải đủ nghề để lo cho gia đình, khi làm bánh phụ vợ, khi tiếp tục bôn ba lên các tỉnh miền Đông khuân vác nặng nhọc.
Căn nhà này được cất đã gần mười năm từ những tấm lòng của bà con lối xóm dành cho đôi vợ chồng nghèo giữa lúc khó khăn, thắt ngặt. Sau bao năm dựng cất, mái tôn đã hoen gỉ ,mái lá đã bặc màu cũ kĩ, dột nát những khi trời mưa. Chẳng thể tự tay dựng cất, nhưng cũng không đủ khả năng để sửa sang lại cho các con một nơi ở ấm cúng, những ngừơi làm cha làm mẹ như anh chị phải đêm ngày âu lo, trăn trở….
Mang trong mình căn bệnh hở van tim hai lá, nỗi mệt nhọc vẫn từng giây từng phút len trong từng hơi thở nhưng chị Búp có bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ, bới tình yêu thương dành cho gia đình, cho các con trong chị là sức mạnh để chị kiên nhẫn làm việc.
Bao năm gắn bó với nghề, những chiếc bánh cam không chỉ là nghề mưu sinh của gia đình suốt bao năm qua, mà nới ấy còn chất chứa bao dư vị ngọt ngào của tình cảm yêu thương mà gia đình anh chị đã dành cho nhau trước bao khó khăn, thửa thách. Và người gắn bó với nghề lâu năm vẫn hiểu rằng, một chiếc bánh có giòn và ngon phải trải qua quá trình bị nhào nặn méo mó, như đời ngừời, có bước qua khó khăn gian khổ mới có thể hưởng trọn niềm hạnh phúc ngọt ngào ở ngày mai….
Cảm nhận được tình cảm được tình yêu mênh mông của cha mẹ, hai đứa con của chị luôn cố gắng nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình để cha mẹ vui lòng…Em Hồng Tấn Đạt là con út trong gia đình, đang học lớp 10. Thương mẹ sức khỏe yếu, Linh thường đảm đương việc nhà thay mẹ. Những công việc dù nhỏ nhặt, gỉan đơn nhưng nơi đó vẫn đong đầy yêu thương của một người con hiếu thảo.
Sinh ra và lớn lên trong khó nghèo, bệnh tật với chứng thoái hóa đa khớp, Linh thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau nhức, nhưng điều ấy không làm mất đi trong em niềm đam mê được cắp sách. Suốt 12 chăm chỉ học tập, rèn luyện trong cảnh thiếu thốn của cuộc sống gia đình, cánh cửa đại họ đã rộng mở để đón chào cậu học sinh nghèo vượt khó, như ước mơ mà em và cả gia đình đã ấp ủ và quyết tâm thực hiện. Quyết tâm được trở thành một thầy giáo dạy sử giỏi của Linh vẫn được em từng ngày thực hiện bằng những giờ học chăm chỉ ngoài giờ lên lớp….
Trở về nhà sau những ngày học tập xa nhà, Linh luôn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi quý báu để phụ ba mẹ làm việc nhà, với em đó là niềm vui, là hạnh phúc bởi mình có thể san sẻ phần nào gánh nặng còn chất chồng trên vai cha mẹ à như một lời cảm ơn chân thành cho những hi sinh thầm lặng mà cha mẹ đã dành cho em suốt những năm tháng khó khăn. Đường tương lai của cậu sinh viên năm nhất sẽ còn rất dài và sẽ lắm khó khăn, thử thách, nhưng tin rằng với tất cả đam mê và nghị lực, ước mơ đẹp của em sẽ trở thành hiện thực nơi.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:
1/ Chị Phan Thị Búp, ấp Tích Khánh, xã thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long 2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long |
Cẩm Nhường