Tuổi thơ bất hạnh khi từ nhỏ cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn, để lại cho chị một hình hài không trọn vẹn. Gia đình nghèo khó, không đất đai, ruộng vườn… để không làm gánh nặng cho gia đình và những người thân yêu, chị Nguyễn Thị Trúc đã chọn nghề đan lưới, vá lưới để sau này có thể tự nuôi sống được bản thân mình.
Mang trong mình khiếm khuyết nên chị không có mơ ước gì lớn lao hơn là tìm được một người để có thể đồng cảm, chia sẻ và động viên nhau trong những lúc bế tắc, khó khăn. Thế rồi, chị gặp anh – người đàn ông cũng kém may mắn như mình với cơ thể tật nguyền vì cơn sốt bại liệt khi mới lên 3. Chính tình yêu thương chân thành của những người cùng cảnh ngộ đã giúp anh chị đến với nhau, cùng xây đắp hạnh phúc giản dị mà ấm áp dẫu có muộn màng, khi tài sản chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng cần cù.
Không nghề nghiệp ổn định, không nhà cửa đàng hoàng, anh chị cất tạm căn chòi trên đất của người hàng xóm, nhận đan lưới thuê, giăng lưới, hái rau, bắt ốc…để kiếm chút thu nhập lo cho cái ăn hàng ngày. Cảm thương cho hoàn cảnh khó khăn, nhưng chịu khó của đôi vợ chồng khuyết tật, bà con trong xóm đã cho anh chị một chiếc thuyền nhỏ để làm phương tiện mưu sinh. Hai mảnh đời ghép lại nương tựa nhau trên chiếc xuồng nhỏ bé, trôi dạt rày đây mai đó theo con nước bấp bênh đã gặp không ít những trắc trở, khó nhọc, nhưng anh chị vẫn cố gắng vững tay lèo lái, mong một ngày sẽ tìm được bến dừng.
Cuộc sống càng chật vật hơn khi 2 đứa con Ngọc Huyền, Vũ Luân ra đời. Thế nhưng bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc thì vẫn còn đó bao lo toan, trắc trở, khi cả hai anh chị sợ rằng bước chân chông chênh sẽ khó mà lo được cho con mình một tương lai trọn vẹn như bao người.
Căn nhà cũ nằm cạnh bờ sông, bốn bề vách lá rách nát phải che tạm bằng những tấm cao su, nền ván đã mục là tổ ấm được dựng nên từ những ngày đầu anh chị chung sống. Mối mọt bắt đầu ăn sâu vào từng cây cột, cái kèo. Vật dụng trong nhà đã cũ kỹ từ lâu nhưng chưa một lần được thay mới. Kể cả cái bàn học cũng không có được đàng hoàng, tập sách của Vũ Luân và Ngọc Huyền phải để tạm trong một góc nhà. Mỗi mùa nước lên, hay mưa giông kéo đến, là cả gia đình phải thấp thỏm trong lo âu, trong cái giá lạnh của khó nghèo.
Có lắng nghe những lời tâm sự của cả gia đình anh Hiền, chị Trúc chúng tôi càng thấu hiểu hơn tình yêu thương mà cả gia đình dành cho nhau. Thương chị Trúc dù khuyết tật nhưng vẫn vươn lên, ngày ngày vẫn dốc hết sức mình trên khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số, để kiếm chút thu nhập vun vén cho mái ấm nhỏ này.
Còn anh Hiền, dù đôi bàn tay không lành, bước chân khập khiễng nhưng trong anh vẫn ngập tràn nghị lực. Đôi chân của anh cũng không ít những lần phải rướm máu, chai sần vì gánh nặng mưu sinh, hay những lần quá sức phải ngất xỉu. Nhưng với anh, những khó khăn đó vẫn không ngăn được quyết tâm, sự cố gắng của anh để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
Ý thức được sự nghèo khó, thương cha, thương mẹ dù bệnh tật nhưng vẫn cố gắng bươn chải, nên hai em Ngọc Huyền và Vũ Luân rất chăm ngoan, học tốt. Ngoài giờ học hai em còn giúp ba mẹ làm những công việc nhà, hay đi bắt từng con ốc, hái từng mớ rau để kiếm tiền lo cho việc học, giảm bớt gánh nặng cho ba mẹ. Chính niềm an ủi của các con là động lực rất lớn để anh chị cố gắng trên con đường sắp tới….
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:
1/ Chị Nguyễn Thị Trúc, ấp Tân An, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp 2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long |
Minh Cảnh