Các cá nhân và doanh nghiệp cho rằng ngành thuế không chỉ “lắng nghe” mà nên “thấu hiểu” sự bức bối của người nộp thuếHội trường với sức chứa hơn 300 người không thể đáp ứng đủ số lượng cá nhân và doanh nghiệp (DN) đến tham gia hội nghị “Đối thoại với người nộp thuế” vào sáng 28-5 tại TPHCM.
Thắc mắc nhiều vấn đề
Vấn đề được các DN thắc mắc là hiện còn rất nhiều trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế (do cơ quan thuế chưa cấp hoặc cá nhân chưa làm), vậy làm thế nào để thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho các trường hợp này? Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế – Cục Thuế TPHCM, cho biết Cục Thuế TP đã báo cáo tình hình này với Tổng cục Thuế và tạm đưa ra giải pháp là các DN vẫn làm quyết toán trên phần mềm 2.5.1, liệt kê chi tiết việc chi trả thu nhập trong năm cho cá nhân (kể cả cá nhân có hoặc không có mã số thuế).
Trường hợp chưa có mã số thuế, chỉ cần thực hiện phần tổng hợp mã số thuế đã khấu trừ (không bấm vào phần quyết toán thuế) rồi in ra để chuyển cho cơ quan thuế, sau đó liên lạc với Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế để được giúp đỡ hoàn tất mã số thuế.
Cũng liên quan đến thuế TNCN, nhiều nhà đầu tư chứng khoán phản ánh: Việc chi trả cổ tức năm 2009 được thực hiện vào 6 tháng đầu năm nay sao vẫn bị trừ thuế 5%? Các công ty chứng khoán thực hiện như vậy là đúng hay sai? Đại diện Cục Thuế TP khẳng định là sai, vì theo Nghị quyết 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc chi trả cổ tức năm 2009 được thực hiện chậm nhất trước ngày 30-6-2010 thì không được khấu trừ thuế 5%.
Tương tự, một số ngân hàng thắc mắc: Muốn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải mở tài khoản tại ngân hàng. Khi không có giao dịch, tài khoản tự phát sinh lãi; các ngân hàng có phải khấu trừ thuế TNCN hay không? “Khoản lãi phát sinh giống như một hình thức tiết kiệm gửi ở một tổ chức tín dụng nên không bị trừ thuế TNCN” – Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Trọng Hạnh trả lời.
Đại diện Công ty Vinamilk thắc mắc: “Mỗi tháng, DN thực hiện khoảng 10 chương trình khuyến mãi với 250 nhà phân phối trên toàn quốc. Thay vì chuyển kinh phí hỗ trợ qua ngân hàng cho nhà phân phối thì DN có thể cấn trừ qua tiền hàng mà nhà phân phối trả cho DN? Và có được xem là thanh toán qua ngân hàng không? Đại diện Cục Thuế hứa sẽ gửi văn bản cho Tổng cục Thuế đề nghị việc cấn trừ thuế giữa DN và nhà phân phối cũng được xem là thanh toán qua ngân hàng.
Người nộp thuế vẫn bị “hành”
Bên cạnh những thắc mắc về chính sách và các sắc thuế, nhiều cá nhân, DN bày tỏ không hài lòng về thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ thuế. Đại diện một DN bức xúc: “Một người bạn của tôi khi nộp tờ khai thuế TNCN 2009 đã bị một cán bộ ở Chi cục Thuế quận 12 chửi bới. Xin hỏi khi gặp rắc rối trong quá trình đi nộp báo cáo thuế hoặc bị cán bộ thuế nhũng nhiễu, chúng tôi gặp ai để phản ánh?”.
Người đại diện cho DN Hưng Thịnh (quận 3) cho biết chỉ vì sai sót nhỏ dẫn đến việc nộp thuế thiếu 2.320 đồng, DN đã phải tới lui nhiều lần. Nếu không nộp đủ 2.320 đồng, DN sẽ bị xử phạt vì nộp chậm thuế. “Mong cơ quan thuế không chỉ “lắng nghe” mà nên “thấu hiểu” sự bức bối của người nộp thuế”- đại diện DN Hưng Thịnh bày tỏ.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh thừa nhận những ý kiến phản ánh của cá nhân và DN là đúng. Theo ông Hạnh, đôi khi chỉ vì số liệu không trùng khớp giữa Cục Thuế và Kho bạc mà phát sinh những rắc rối không đáng có cho DN. Riêng về thái độ của cán bộ thuế, ông Hạnh khẳng định sẽ họp và chấn chỉnh ngay.
Những vấn đề vướng mắc trong thủ tục hành chính cũng sẽ được Cục Thuế chấn chỉnh và đề đạt lên cơ quan cấp trên giải quyết. Cục Thuế TPHCM cũng lưu ý các DN không nên thông qua một số đơn vị tư vấn để được hoàn thuế vì có nhiều trường hợp DN bị lợi dụng, làm tiền.
Mai Vân (NLĐ)