Kể từ ngày 5/10 tới, tất cả các doanh nghiệp chưa có nhu cầu thanh toán ngay (trong vòng 2 ngày) sẽ không được mua ngoại tệ giao ngay để "găm giữ" và "phòng thủ" như thời gian qua.
Doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội 'găm giữ' ngoại tệ như trước kia. (Nguồn: TTXVN) |
Đó là nội dung chính của Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Theo Thông tư này, các tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn với tổ chức tín dụng được phép khác và được quyền mua bán ngoại tệ với nhau, mà không phải chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ.
Tổ chức tín dụng được phép khi thực hiện các giao dịch ngoại tệ với khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo giao dịch ngoại tệ được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Điểm đặc biệt quan trọng của Thông tư là các ngân hàng chỉ bán ngoại tệ giao ngay cho doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngay trong vòng hai ngày, từ ngày thứ ba trở lên ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn.
Với quy định này, doanh nghiệp chưa có nhu cầu thanh toán ngay sẽ không được mua ngoại tệ giao ngay để "găm giữ" và "phòng thủ" như thời gian qua. Còn khi mua bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi giữa VND với ngoại tệ tối thiểu từ 3 ngày làm việc đến 365 ngày kể từ ngày giao dịch.
Đối với khách hàng cá nhân, Thông tư này cũng quy định phải xuất trình giấy tờ và chứng từ cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, số lượng, loại ngoại tệ, thời gian thanh toán, chuyển tiền theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối khi khách hàng thực hiện các giao dịch ngoại tệ.
Về giá giao dịch, Thông tư này cũng quy định, chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước và lãi suất mục tiêu USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, gắn với kỳ hạn của giao dịch.
Trường hợp không giao dịch kỳ hạn, các nhu cầu ngoại tệ để thanh toán trong tương lai sẽ buộc phải chờ đến thời điểm thanh toán thực để giao dịch giao ngay, thay vì mua và "găm" trước như vừa qua dẫn đến thổi phồng nhu cầu vào một thời điểm, gây áp lực lên tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu phí đối giao dịch với giao dịch ngoại tệ. Theo các chuyên gia, quy định này là bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm tình trạng "găm" giữ ngoại tệ.
Trước đó, ngày 28/9 Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất huy động USD của cá nhân xuống 0,25%/năm, lãi suất huy động ngoại tệ của tổ chức xuống mức 0%/năm nhằm tăng sức hấp dẫn cho VND, đồng thời làm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế./.
Nguồn: THÚY HÀ (VIETNAM+)