Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Để nội dung của Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, việc ban hành Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị định này được ban hành sẽ hướng dẫn các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường; tham vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường; đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trước khi đưa dự án vào vận hành; đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường…

Phê duyệt quy hoạch BVMT quốc gia lần đầu trước ngày 1/1/2018

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 20 điều. So với Nghị định 29/2011/NĐ-CP hiện hành, dự thảo đề xuất thêm 1 chương quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo dự thảo, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung như: Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; phân vùng không gian phát triển, bảo vệ và bảo tồn; thực trạng bảo vệ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; các định hướng quản lý và giải pháp quy hoạch; thực trạng quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông; các định hướng quản lý và giải pháp quy hoạch; thực trạng xử lý nước thải, các định hướng quản lý và các giải pháp quy hoạch; thực trạng xử lý chất thải rắn, các định hướng quản lý và các giải pháp quy hoạch; thực trạng xử lý khí thải, các định hướng quản lý và các giải pháp quy hoạch; thực trạng hệ thống quan trắc môi trường, các định hướng quản lý và các giải pháp quy hoạch; các bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1:50.000.000.000; nguồn lực thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sẽ dưới hình thức báo cáo riêng, gồm những nội dung chính như: Đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; phân vùng không gian phát triển, bảo vệ, bảo tồn; thực trạng bảo vệ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; các định hướng quản lý và giải pháp quy hoạch; thực trạng xử lý nước thải, các các giải pháp quản lý và quy hoạch; thực trạng xử lý chất thải rắn, các giải pháp quản lý và quy hoạch; các bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1:1.000.000…

Theo dự thảo, cơ quan được giao nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có trách nhiệm hoàn chỉnh nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ đề nghị phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo quá trình lập, thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; tài liệu quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Dự thảo nêu rõ, thời điểm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia lần đầu là trước ngày 1/1/2018.

Thời điểm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh lần đầu sẽ là trước ngày 1/1/2019. Theo dự thảo, quy hoạch bảo vệ môi trường lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh phải được phê duyệt để làm cơ sở lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội điều chỉnh cấp tỉnh giai đoạn 2010-2020.

Theo (Chinh phu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *