Bếp quê – Ảnh minh họa |
Chúng tôi đến thăm nhà của một lão nông ở xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn. Ngôi nhà này thuộc mẫu nhà truyền thống của vùng ĐBSCL. Một ngôi nhà tường ba căn kèm theo một căn chái đâm nóc xuống sông mà dân gian hay gọi là nhà “chữ đinh”. Ở nông thôn ngày nay, nhiều gia đình khá giả xây nhà tường lợp ngói nhưng kiểu cách vẫn là sự phiên bản từ ngôi nhà lá. Chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc ấy thì ta có thể hiểu ngay chủ nhân của nó là một lão nông tri điền. Đặc biệt, cái bếp nhà là một mẫu bếp quen thuộc mà kể từ khi làm dân thị thành đến giờ chúng tôi không gặp : Khung bếp đứng đóng bằng gỗ mù u, mặt bếp lót gạch tàu. Trên bếp đặt ba cái cà ràng. Dưới bếp chất củi thành hàng, thẳng tắp. Từ chỗ bếp nhìn lên mái nhà là một cái giàn treo lá dừa để dành mồi lửa. Trên tấm vách trước mặt là một dãy xoong, nồi, chảo… Tất cả được xếp ngay hàng, thẳng lối, cái lớn theo hàng lớn, cái nhỏ theo hàng nhỏ. Cái xoong nào cũng đầy lọ ghẹ. Đây đúng là một cái bếp làng quê đúng nghĩa…
Ở nông thôn, không chỉ ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, mấy ông già bà cả luôn xem cái bếp là tiêu chuẩn hàng đầu để làm thước đo công – dung – ngôn – hạnh của người con gái. Trong tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) thì công đứng đầu. Người con gái khéo léo, có tài nội trợ, biết lo toan mọi việc. Từ việc chăn nuôi, trồng tỉa đến thêu thùa, may vá. Đó là cái mặc. Còn cái ăn thì phải biết cơm nước, nấu nướng từ bữa ăn hàng ngày cho tới mâm cỗ ngày giỗ, ngày Tết. Nên ngay từ 25 Tết, người phụ nữ phải sửa sang giàn bếp cho sạch, đẹp, rồi lo bánh trái, khô… Đến ngày 30 Tết thì vần đổi công gói bánh tét, bánh ít. Có như thế, khi ra ở riêng mới gánh vác nổi giang sơn nhà chồng.
Hiện nay, ngôi nhà xưa, chái bếp cũ tuy đã có thay đổi, nhưng cái "giang san" đó giờ đây vẫn giữ cái nếp xưa. Trong những ngày giáp Tết, người ta mong mỏi tất cả người thân đều về nhà để họp mặt, cúng bái rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Những người tha hương dù khắc khoải chung một nỗi sầu xa xứ, thèm một mùi hương quen thuộc, thèm một bầu không khí ấm cúng, thèm đứng trước bàn thờ ông bà để tưởng nhớ, biết ơn. Tất cả mâm cúng đã dọn sẵn, nén nhang cũng được ông bà, cha mẹ đốt lên và đâu đó những người xưa đã trở lại. Tết Việt Nam tuyệt vời ở phần hồn như thế. “Cây có cội, nước có nguồn”, một nén nhang cũng nói lên lòng thành và lòng thành chỉ có một nén nhang… Còn hạnh phúc nào hơn khi tất cả anh em đều tề tựu dưới một mái nhà, bên cạnh cha mẹ già để cùng nhau vui vẻ bằng một cái tết đoàn tựu. Càng ngày ước mơ này càng khó khăn vì điều kiện làm ăn, sinh sống, nơi ở… Nhưng ước mơ nào cũng đẹp dù khó trở thành hiện thực. Bây giờ, bữa cúng rước ông bà trở nên buổi họp mặt đầy đủ mọi người, con cháu đều có mặt, còn gì vui bằng. Mẹ già ăn qua loa vài miếng rồi lại đi vào đi ra tiếp thêm thức ăn cho con cháu như gà mẹ bới tìm thức ăn cho con, lúc nào cũng vậy, cả đời lo cho con được ấm no hạnh phúc…
Bây giờ, mỗi khi chúng ta đi đâu xa về, thấy chái bếp nhà mình lừng lững khói cơm chiều trên cái nền trời màu tím sẫm là thấy lòng ấm lại. Ở đó, có những người nội trợ đang cặm cụi kho cá, nấu cơm… Bữa cơm dọn ra cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Rồi năm tháng cứ trôi qua, nhưng trong lòng mỗi người vẫn còn đó tươi nguyên hình ảnh và tình cảm một chái bếp, dù trong ngày hè oi nồng hay giữa mưa dầm tháng bảy, ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Cái chái bếp ấy đã tạo ra tình cảm gia đình trong chúng ta và giờ nó vẫn tiếp tục, gợi nhớ, gợi thương…
Trọng Dũng