Bên bờ hạnh phúc

Nhân dân ta vui mừng, hân hoan, phấn khởi chào đón Năm mới, Xuân Đinh Dậu – 2017, với những niềm tin và kỳ vọng mới vào sự phát triển của đất nước. Vui Xuân, đón Tết, chúng ta lại xúc động, bồi hồi đọc lại những bức thư, vần thơ, câu đối chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 48 năm về trước.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia "Tết trồng cây" với nhân dân xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây

 (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) ngày 16-2-1969. Ảnh: Tư Liệu 

 

Kể từ Tết Nhâm Ngọ, năm 1942, đây là Tết đầu tiên sau 30 năm Người bôn ba đi tìm đường cứu dân, cứu nước; trở về nước kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc; cho đến Tết Kỷ Dậu, năm 1969, là mùa xuân cuối cùng của Người. Hồ Chí Minh đã viết hơn 24 thư và 22 thơ chúc Tết đầu năm mới. Hồ Chí Minh chúc những điều tốt đẹp nhất, những tình cảm sâu sắc nhất của Người đến đồng bào, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, cán bộ, chiến sỹ, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.

Trong những bức thư, bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh có những câu đối Tết, có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa thể hiện nét độc đáo về truyền thống văn hoá dân tộc, mỗi khi Tết đến, Xuân về; vừa thể hiện những định hướng chiến lược của cách mạng, những kết quả và niềm tự hào, phấn khởi của dân tộc, của nhân dân ta trong những ngày đầu Xuân, Năm mới.

Xuân Giáp Thân – năm 1944, Hồ Chí Minh viết Bài Chào Xuân, trong đó có một câu đối mang ý nghĩa sâu sắc trong mối quan hệ giữa không khí vui Xuân, chào Tết, mừng cách mạng, chúc thành công.

Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng;

Viết bài chào Tết, chúc Thành công.

Xuân Bính Tuất – Năm 1946 là một mùa Xuân đặc biệt, mang đậm dấu ấn lịch sử đối với Người, đối với sự nghiệp cách mạng, đối với nhân dân và dân tộc ta. Đây là Tết đầu tiên, mùa Xuân đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Nhân dân bước lên vũ đài thực hiện quyền làm chủ đối với vận mệnh đất nước mình. Nhân dân ta vui mừng đón một mùa Xuân mới, Xuân Dân chủ, Tết Dân quyền.

Hồ Chí Minh khẳng định: Tết này mới thật Tết dân ta. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Người đã gọi Tết năm 1946 là Tết Độc lập, Tết Dân quyền. Người đã viết câu đối chúc Tết, mừng Xuân, mừng hạnh phúc của nhân dân, mừng nền độc lập của nước nhà và mừng Tết Dân quyền của dân tộc.

Rượu Cộng hoà, hoa bình đẳng, mừng Xuân Độc lập;

Bánh Tự do, giò bác ái, ăn Tết Dân quyền.

Trong bài thơ Mừng báo Quốc gia, Tết Độc lập Bính Tuất – năm 1946 chỉ 8 câu; trong đó, Người đã viết thành 2 câu đối rất sâu sắc, chứa đựng cả không khí vui Tết, đón Xuân của nhân dân một nước độc lập, tự do; chào đón Xuân dân chủ, chung vui phúc cộng hoà của dân tộc.

– Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

– Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,

Cả nước chung vui phúc cộng hoà.

Trong Thư Chúc mừng năm mới Bính Tuất – năm 1946, có hai câu đối khẳng định một niềm tin chắc chắn đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta:

Kiến quốc chóng thành công,

Kháng chiến mau thắng lợi.

Đồng thời, Người chúc mừng đồng bào an toàn mừng Xuân và động viên các chiến sỹ ngoài mặt trận hăng hái chống địch:

Chiến sỹ hăng hái chống địch,

Đồng bào an toàn mừng xuân.

Xuân Đinh Hợi – năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đọc bài Chúc Tết tại Chùa Trầm – Hà Đông (Nơi đặt đài tiếng nói Việt Nam), sư cụ chủ trì Chùa Trầm đã chuẩn bị sẵn giấy bút và xin Người câu đối, Người sẵn sàng và đề tặng:

Kháng chiến tất thắng,

Kiến quốc tất thành.

Tết Quý Tỵ – năm 1953, là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định chuyến hướng chiến lược sang thế chuẩn bị tổng phản công, Người viết thư chúc Tết với một câu đối thể hiện tinh thần quyết tâm của nhân dân ta và sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định:

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,

Độc lập thống nhất nhất định thành công.

Tết Ất Mùi – năm 1955, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã về Thủ đô Hà Nội. Một nền hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ đã thực sự về với nhân dân, niềm hạnh phúc lớn của nhân dân, của dân tộc. Người đã viết câu đối chúc nhân dân ta, chúc sự nghiệp cách mạng của đất nước ta: Tam dương khai thái, Ngũ phúc lâm môn.

Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ – Tam dương khai thái;

Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm – Ngũ phúc lâm môn.

Tết Bính Thân – năm 1956, trong thơ Chúc mừng năm mới, Người viết câu đối:

Miền Bắc thi đua xây dựng,

Miền Nam giữ vững thành đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá nhân loại. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Người đã có nhiều bài viết, bài thơ bất hủ và trở thành vật báu của quốc gia; là những tài sản quý báu, vô giá của dân tộc, không những cho hôm nay, mà còn lưu mãi với con cháu mai sau.

Trong hàng vạn các tác phẩm, các bài viết của Người, chúng ta vẫn luôn luôn nhớ tới những bức thư, bài thơ, câu đối của Người gửi Chúc tết nhân dân ta, nhân dịp Tết đến, Xuân về, mừng đón Năm mới.

Nguồn: Võ Đình Liên ( Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *