Bên bờ hạnh phúc

1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước, thì thực dân Pháp lại rắp tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa… 

Trước thái độ hung hăng, ngạo mạn của thực dân Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp (ngày 18, 19-12-1946) tại làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kịp thời hạ quyết tâm phát động Toàn quốc kháng chiến và chủ động mở cuộc giao chiến lịch sử, trước khi thực dân Pháp thực hiện màn kịch đảo chính quân sự ở Hà Nội. Mệnh lệnh kháng chiến được phát đi. Vào lúc 20h ngày 19-12-1946, Hà Nội đi đầu, nổ súng tấn công quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Cùng với Hà Nội, dân quân ta tại các đô thị Bắc Vĩ tuyến 16 cũng nổ súng tấn công địch. Sáng ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhà lưu niệm, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt

 

Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam, nhưng bị phía Pháp khước từ: “Hỡi đồng bào! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Người khẳng định rõ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Khi Tổ quốc lâm nguy, Người kêu gọi các giới đồng bào cả nước bằng vũ khí và mọi loại dụng cụ có thể dùng làm vũ khí, nhất tề đứng lên đánh giặc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Với bộ đội và dân quân, Người dành riêng một lời kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Kết thúc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia; là sự tiếp nối hợp logic bản Tuyên ngôn độc lập do chính Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

2. Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại Hà Nội, hơn 20h ngày 19-12-1946, sau tín hiệu tắt điện toàn thành phố, cuộc chiến đấu bắt đầu. Bộ đội chủ lực và tự vệ thành đồng loạt tiến công các mục tiêu trong trung tâm thành phố; nhân dân đã xếp bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa… ra đường phố, hình thành những ụ chướng ngại để cản địch; công nhân hỏa xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra giữa đường phố, tự vệ ngả cây, hạ cột đèn chắn các ngã tư, ngã năm… người lao động, trí thức, học sinh, tiểu thương, nhà tư sản, nhà sư… vừa phục vụ chiến đấu dưới các hình thức cứu thương, tiếp tế, thông tin liên lạc, vừa động viên bộ đội và tự vệ chiến đấu. Nhiều thanh niên nam, nữ tình nguyện nhập ngũ ngay từ những ngày đầu kháng chiến của Thủ đô. Nhân dân nội thành tản cư ra các cửa ô đã sốt sắng cùng nhân dân ngoại thành đào hàng chục ki lô mét hào giao thông, hàng trăm hố chiến đấu và phòng tránh, phá đường sá, cầu cống, nhà cửa. Nhiều địa phương như Thanh Trì, Thanh Oai tổ chức thêm tự vệ, sẵn sàng vào nội thành chiến đấu. Nhiều tỉnh như Sơn Tây, Hà Đông, Phúc Yên, Thái Nguyên… chủ động đưa lực lượng về tăng viện cho Hà Nội khi chiến sự lan rộng…

Sau hai tháng chiến đấu trong lòng Thủ đô, được sự chi viện tiếp tế của quân và dân ngoại thành, lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao và kìm chân quân địch trong thành phố vượt xa thời gian dự kiến của lãnh đạo. Thắng lợi của 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội không chỉ là thắng lợi của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lực lượng vũ trang Thủ đô, của những người tình nguyện ở lại “sống chết với Thủ đô”, mà còn là thắng lợi của ý chí, trí tuệ người dân Thăng Long, Hà Nội, đại diện cho quyết tâm, trí tuệ của cả dân tộc.

Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc Vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân Thủ đô Hà Nội và của cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, đảng phái, dân tộc… đều nhất tề đứng dậy với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đã kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với thắng lợi đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận rõ hơn một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Trong tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua khi đó, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã bình tĩnh, sáng suốt, nhận định đúng tình hình, phát động Toàn quốc kháng chiến đúng lúc, khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, để dân tộc đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” quyết giữ vững nền độc lập, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ý chí và quyết tâm đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguồn: Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sự

Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị

( Hà nội mới )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *