Bên bờ hạnh phúc

Trong những ngày kỷ niệm lịch sử này, đọc lại dòng chữ đơn giản của ông Bùi Quang Huy- nguyên Phó BCĐ Tây Nam Bộ, lại thấy được lan truyền niềm xúc động chân thành về một nhân vật lịch sử: “Đến ngã ba Vũng Liêm, tôi da diết nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt, không phải vì đồng chí là đồng hương với tôi, … nhớ một con người đặc biệt có trí nhớ lạ lùng, có tài hùng biện, thu hút, cảm hóa các đối tượng khi được tiếp xúc với đồng chí, nhớ tấm lòng nhân hậu, quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Đảng, của nhân dân…”.

Đối với lớp hậu bối chúng tôi, chỉ riêng bài học về “Nhân cách văn hóa- Võ Văn Kiệt” thì dù có nghiên cứu, học tập cả đời cũng chưa hiểu hết.

 

Nguyện vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là an vị tượng đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Bí thư Quận ủy Vũng Liêm- tại Công viên Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thị trấn Vũng Liêm) và nguyện vọng của ông đã thành hiện thực. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón và Bí thư Huyện ủy- Lê Văn Lập sau nghi thức khánh thành tượng. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

 

 

Từ quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa

Mỗi lần ngang qua ngã ba Vũng Liêm, chúng ta luôn được gợi nhớ về những con người lịch sử, cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Và có lẽ khi nào công trình cụm văn hóa nơi đây chưa hoàn thành thì hẳn mọi người sẽ còn cảm thấy “chưa trọn vẹn” đối với chú Sáu Dân.

 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên

 

Sau bao nhiêu cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đời những công trình quan trọng trên khắp đất nước này, có lẽ tâm huyết cuối đời dành cho quê hương xứ sở mình chính là ở cái ngã ba Vũng Liêm này, đặc biệt là người mong muốn an vị tượng của đồng chí Nguyễn Thị Hồng nơi đây.

Nhưng khi mà công trình còn dang dở, tượng cô Năm Hồng chưa được thi công thì chú Sáu Dân đột ngột ra đi ở tuổi 86, để lại cho chúng ta sự ngỡ ngàng tột cùng và niềm tiếc thương vô hạn.

Nhưng, hôm nay những người con của quê hương Vĩnh Long, có thể “báo cáo” với chú Sáu Dân trong ngày sinh nhật của Chú là chúng ta đã hoàn thành một trong những tâm nguyện cuối cùng ấy.

Kỷ niệm 76 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940- 23/11/2016) và 94 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sáng 19/11/2016, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tổ chức khánh thành Bia Chiến thắng Bắc Nước Xoáy (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) và an vị tượng đồng chí Nguyễn Thị Hồng tại Công viên tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thị trấn Vũng Liêm).

Những tên đất, tên người, những sự kiện đã gắn bó như sự “dẫn dắt” khởi đầu để lịch sử sản sinh ra một nhân vật kiệt xuất cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc dựng xây đổi mới đất nước: Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một con người đã để lại cho đời nhiều bài học lớn, mà chỉ riêng bài học về “Nhân cách văn hóa- Võ Văn Kiệt” thì đối với lớp hậu bối chúng tôi dù có nghiên cứu, học tập cả đời cũng chưa hiểu hết.

“Nhân cách văn hóa” đó có được từ thực tiễn cách mạng trui rèn nên và từ trong tận miền sâu kín nhất của con người được tiếp thụ, thừa hưởng từ nhân dân, như có lần chú Sáu Dân từng nói: “Nó ở tận trong chỗ sâu kín nhất của con người, ở trong máu chúng ta, chảy sâu thẳm trong từng li ti huyết quản, trở thành lẽ sống vừa lâu dài vừa hàng ngày của chúng ta”.

Nó là cốt cách, là phẩm chất được toát ra một cách tự nhiên nhất trong từng hành động, lời nói, trong từng ứng xử ở đời thường và cả trong bản lĩnh xử lý công việc.

Chính từ sau sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Võ Văn Kiệt phải rời quê hương và bắt đầu hoạt động cách mạng trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ cho đến Sài Gòn- Gia Định.

Trải qua chiến tranh và những thời khắc đáng nhớ của cách mạng Việt Nam, ông thấy điều quý báu nhất của từng thời kỳ lịch sử khắc nghiệt mà đẹp đẽ ấy chính là bài học từ nhân dân.

Bài học lớn từ những chuyện nhỏ

Chúng tôi không có được may mắn là tiếp xúc trực tiếp với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng những gì “mắt thấy, tai nghe” dù nó rất nhỏ nhoi, rất đời thường, cùng những gì được đọc, được nghiên cứu, cũng đủ để lại trong lòng mình một “thần tượng”.

Từ “thần tượng” chúng tôi không dùng một cách dễ dãi, mà đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc khi đọc bài nghiên cứu khoa học của GS Mạc Đường khi nhắc đến đồng chí Võ Văn Kiệt.

Ông đã mượn câu nói của nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Vũ Mão làm đề tựa cho bài nghiên cứu của mình: “Đã có một thế hệ coi anh là thần tượng”.

Mà thực tế cuộc sống ngày nay chúng ta rất cần có nhiều những hình tượng đẹp đẽ như thế, nhiều “nhân cách văn hóa” đặc sắc như thế, làm “điểm tựa” để có thể “cứu vãn” sự xuống cấp, suy đồi đạo đức diễn ra ở nhiều tầng lớp, đối tượng xã hội.

Những công trình lớn, những việc lớn của đất nước gắn liền với tên tuổi đồng chí Võ Văn Kiệt hầu như đã được nhắc nhiều, kể nhiều trên sách báo, phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, có những điều rất đáng quý là tình cảm của những nông dân, những bà con ở các vùng quê xa xôi hẻo lánh, họ đã lặng lẽ giữ trong lòng mình tình cảm yêu thương, trân trọng thật sự đối với “ông Thủ tướng của nhân dân”, thì điều này nó rất đặc biệt trong tình cảm, đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ vốn có truyền thống tôn thờ những bậc tiền hiền khai phá, mở mang và bảo hộ cho dân làng “an cư, lạc nghiệp”.

Trong những ngày lang thang ở vùng tứ giác Long Xuyên, cũng những chuyến đi dọc theo dòng kinh T5, chúng tôi có liên tưởng rất lạ về nhân vật chú Sáu Dân và những nhà “quản trị” xuất chúng buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam này.

Để khai thác tiềm năng của đất đai nuôi sống con người, cũng như phát triển giao thương gắn với quân sự vùng biên, đều gắn liền với chữ “nước”.

Trong khi tiếp xúc với bà con nơi cuối dòng T5 ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều người có ý “so bì”, tại sao trên Tri Tôn được dựng tượng ông Võ Văn Kiệt, mà dưới này tụi tui hổng có?.

Chuyến đi đó, chúng tôi được bà con giúp đỡ rất nhiệt thành và đối đãi như người nhà, vì chúng tôi là “người Vĩnh Long quê hương bác Kiệt”. Thật sự đó là cảm giác rất ấm áp và tự hào pha lẫn niềm xúc động chân thành.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày sinh của chú Sáu Dân, lớp hậu bối chúng tôi chỉ biết “góp nhặt” đôi điều mình có cơ duyên học hỏi được trên đường công tác.

Tuy nhiên, bản thân lại thắm thía một bài học lớn từ góc nhìn nhỏ, đó là “Nhân cách văn hóa- Võ Văn Kiệt” đã có được từ nhân dân và giờ đây con người ấy vẫn còn “ở lại” giữa lòng dân. Chỉ riêng chuyện này thôi, cũng đủ để lớp trẻ trên xứ sở này nghiêng mình ngưỡng vọng, tự hào về đất và người Vĩnh Long quê mình.

 “Nhân cách văn hóa” đó có được từ thực tiễn cách mạng trui rèn nên và từ trong tận miền sâu kín nhất của con người được tiếp thụ, thừa hưởng từ nhân dân, như có lần chú Sáu Dân từng nói: “Nó ở tận trong chỗ sâu kín nhất của con người, ở trong máu chúng ta, chảy sâu thẳm trong từng li ti huyết quản, trở thành lẽ sống vừa lâu dài vừa hàng ngày của chúng ta”.

 

Nguồn: Ngọc Trảng ( Vĩnh Long online )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *