Ngay sau phát biểu của Tổng Thư Ký LHQ, Tổng thống Mỹ Obama đã có bài phát biểu về một loạt vấn đề toàn cầu. Ông Obama nhấn mạnh LHQ đang ở một thời điểm then chốt trong lịch sử của tổ chức này. Ông hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới đi theo đường hướng mới, đón nhận "một chương mới trong quan hệ hợp tác quốc tế" trên cở sở tôn trọng và vì lợi ích của nhau.
Về vấn đề hạt nhân, Tổng thống Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc giục Iran và CHDCND Triều Tiên công khai chương trình hạt nhân của hai nước này. Ông bày tỏ ủng hộ các biện pháp ngoại giao mở ra triển vọng tích cực hơn và hòa bình cho vấn đề hạt nhân của hai quốc gia trên.
Về hòa bình Trung Đông, ông Obama khẳng định Mỹ không chấp nhận việc Isarel tiếp tục xây dựng các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây thuộc Palestine là hợp pháp.
Về kinh tế, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi G20 tại Pittsburgh, sẽ diễn ra trong hai ngày tới, đề ra các quy tắc mới nhằm củng cố hệ thống quy định tại tất cả các trung tâm tài chính. Ông Obama nhấn mạnh không một nước nào có thể một mình giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới, mà nỗ lực này cần có sự chung tay, góp sức của toàn thể cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định đây là thời điểm tất cả các nước trên thế giới cùng chia sẻ trách nhiệm.
Sự hiện diện của Tổng thống Obama tại khóa họp Đại hội đồng LHQ năm nay được xem là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ giữa nước này và LHQ, vốn rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm George Bush.
Cùng với Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Braxin Lula da Silva cũng đã phát biểu tại phiên khai mạc này. Tổng thống Braxin đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải lập một trật tự kinh tế thế giới mới. Theo ông, việc các thị trường tài chính được thả lỏng trong một thời gian dài và sự mất niềm tin vào kinh tế là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hơn 1 năm qua. Ông kêu gọi lãnh đạo các nước tiếp tục những nỗ lực khôi phục kinh tế toàn cầu. Ông một lần nữa khẳng định các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới WB cần phải dân chủ hơn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp như thẩm tra hệ thống tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, các nước nghèo và đang phát triển cần tăng vị thế tại hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.
Thu Thủy (theo Reuters)