Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính trong 10 năm gần đây, mức tăng này chỉ cao hơn so với 9 tháng năm 2015 có mức tăng thấp kỷ lục là 0,74%.
Ảnh minh họa
Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, đã có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá, trong đó cao nhất là giáo dục tăng 7,19%. Tiếp đó là nhóm giao thông tăng 0,55%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09 %; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), các nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng là do giá lúa gạo trong nước phục hồi sau 3 tháng giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.
Trong tháng, mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10-15% do nguồn cung hạn chế, đã đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so với tháng trước.
Giá dịch vụ giáo dục ở 53 tỉnh, thành phố tăng theo lộ trình, làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so với tháng trước, đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9.
Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8 và 5/9, làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55%, đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI.
Ở chiều ngược lại, các yếu tố kìm tốc độ tăng CPI tháng 9 là: Giá thịt lợn giảm; nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trong mùa mưa giảm nên giá điện sinh hoạt giảm 0,06% so với tháng trước.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,11% so với tháng trước do nhu cầu xây dựng giảm. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa do vào cuối mùa hè, nên chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,1% so với tháng trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, lạm phát cơ bản tháng 9 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2015.
Bà Vũ Thị Thanh Thủy phân tích, bình quân 9 tháng qua, so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (2,07%) có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản (1,81%), phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản từ đầu năm biến động theo biên độ khá hẹp, điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê vẫn lưu ý, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm… Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường.
Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Nguồn: Huy Thắng ( Chinhphu.vn )