Theo Hiệp ước Lisbon, trong quá trình ra quyết sách, EU không còn bị rơi vào tình trạng một thành viên có thể cản trở công việc chung bằng lá phiếu phủ quyết của mình. Bởi theo văn bản mới này, tới năm 2014, một số chính sách của EU trong các lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, nội chính sẽ chuyển từ "cơ chế biểu quyết đa số hữu hiệu" sang "cơ chế biểu quyết đa số song trùng", nghĩa là chỉ cần 55% số nước thành viên và 65% người dân EU ủng hộ thì sẽ được thông qua. Ngoài ra, Hiệp ước Lisbon cũng sẽ tăng quyền lực cho Nghị viện châu Âu và tạo điều kiện cho nghị viện các nước thành viên phát huy vai trò to lớn trong quá trình ra quyết sách của EU.

Liên quan đến vấn đề tổ chức, các nước thành viên sẽ phải chọn một vị chủ tịch EU với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, thay chức Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 6 tháng hiện nay. Không chỉ là đại diện cấp cao nhất của EU giải quyết các vấn đề quốc tế (giống như một Tổng thống), vị chủ tịch mới này còn có nhiệm vụ chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh của khối. EU cũng sẽ bầu ra một quan chức (như Ngoại trưởng) để đảm nhiệm các trách nhiệm của cả Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại chung của EU và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề đối ngoại hiện nay.

Theo các nhà phân tích, mọi sự tập trung của dư luận lúc này đang hướng về người nắm giữ ghế Chủ tịch đầu tiên của EU, người sẽ chèo lái con thuyền EU với hơn 500 triệu cư dân trong tiến trình thực hiện cải cách và thay đổi để phù hợp với qui mô mở rộng (từ 15 lên 27 thành viên hiện nay), và nâng tầm vị thế của EU trên vũ đài quốc tế. Việc Hiệp ước Lisbon nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên, chính là tiền đề quan trọng tạo cơ hội thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng của tổ chức châu lục, đang được đánh giá là thành công nhất này.

Thanh Sang (theo Reuters)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *