Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:“Cần tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có đất ổn định cuộc sống lâu dài ở Tây Nguyên”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tăng cường kiểm tra, giám sát một số vấn đề lớn như thủy điện, bố trí đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân vùng dự án, kiểm tra việc quản lý bảo vệ rừng, kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với các bộ, ngành, 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư vào vùng; đã nghiên cứu, đề xuất việc liên kết phát triển vùng.
“Đây là vấn đề khó, hiện nay, các cơ chế, chính sách chưa thể hiện rõ việc phát triển liên kết vùng. Nhưng chúng tôi xác định khó cũng phải làm, nên đã phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên, với sự ủng hộ của nhiều bộ, ban, ngành, tiến hành lựa chọn các vấn đề để liên kết vùng là du lịch, nông nghiệp và giao thông vận tải”, ông Trần Việt Hùng cho biết.
Về phương hướng thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xác định tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về quỹ phát triển kết cấu hạ tầng. Theo ông Trần Việt Hùng, hiện nay cơ sở hạ tầng, nhất là các trục quốc lộ, tỉnh lộ cơ bản đã hoàn thiện nhưng phần lớn phục vụ dân sinh, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế của vùng.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu giải pháp để tăng cường liên kết vùng, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đã ban hành để làm căn cứ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách mới phù hợp với điều kiện Tây Nguyên; đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới, sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc bảo vệ, phát triển rừng.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề xuất đưa việc xây dựng các hồ đập nhỏ vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bởi “theo các nhà khoa học, nếu xây dựng các hồ đập nhỏ gắn với nơi có điều kiện tích nước vào mùa mưa thì tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Trần Việt Hùng bày tỏ.
Phát biểu tại buổi làm việc, biểu dương Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới Ban Chỉ đạo tập trung vào một số vấn đề, trước hết là vấn đề đất đai.
“Cần tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có đất ổn định cuộc sống lâu dài ở Tây Nguyên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm là nước và rừng, trong đó, cần đặc biệt quan tâm gìn giữ, phục hồi rừng Tây Nguyên, giữ lại màu xanh cho vùng.
Thứ ba là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đang tiếp tục kiện toàn và củng cố các Ban Chỉ đạo trên địa bàn cả nước, đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu trong tình hình hiện nay, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, làm giàu từ những thế mạnh của vùng, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là tại các buôn làng, gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Ban Chỉ đạo và các tỉnh phải coi trọng công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ giỏi cho vùng, coi đó là tiền đề quan trọng để phát triển Tây Nguyên.
Nguồn: Đức Tuân ( Chinhphu.vn )