(THVL) Những thách thức mới trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa
02/01/2010Cuộc bầu cử Tổng thống ở Sri Lanka đã kết thúc vào ngày 27/1 với chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Mahinda Rajapaksa. Ông Rajapaksa giành 57,88% tổng số phiếu bầu trong khi đối thủ chính của ông là cựu Tư lệnh Quân đội Sarath Fonseka giành được 40,15% số phiếu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Rajapaksa chắc chắn sẽ có nhiều thách thức.
![]() |
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa |
Giải thích lý do ông Rajapaksa giành được sự ủng hộ lớn (gần 60%) của người Sinhale, nhà báo kỳ cựu Chulawansa Sirilal nói, người dân đặt niềm tin vào ông Rajapaksa vì ông đã chấm dứt chiến tranh ở đất nước này. Hầu hết các nhà quan sát chính trị đều cho rằng, sau gần ba thập niên chiến tranh, khủng bố và kinh tế sa sút, Sri Lanka đang hướng tới một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng.
Trong tuyên ngôn của mình, Tổng thống Rajapaksa, có hơn 40 năm kinh nghiệm trên chính trường, đã đề nghị người dân cho ông thêm thời gian để đưa Sri Lanka trở thành quốc gia hàng đầu ở châu Á. Ngoài việc chỉ thị cho ban lãnh đạo tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công quân sự cho đến khi giành chiến thắng cuối cùng, ông Rajapaksa cũng đã đề ra các đại dự án cải tạo ngành điện, hải cảng, cầu phà và cơ sở hạ tầng nước này.
Ông Rajapaksa chủ yếu đề cập đến việc tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và các biện pháp nhằm tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người từ 2.000 USD lên 4.000 USD, duy trì tốc độ tăng trưởng 8% và biến Sri Lanka trở thành trung tâm của châu Á trong các lĩnh vực hàng không, hải quân, tài chính và tri thức trong bốn năm của nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Các nhà phân tích cho rằng, có lẽ ông Rajapaksa có rất ít thời gian để tận hưởng hương vị chiến thắng bởi các cuộc bầu cử khác sẽ diễn ra vào giữa năm 2010 do quốc hội giải thể vào tháng 4 tới sau khi kết thúc nhiệm kỳ 6 năm. Mặc dù các quyền hạn của Tổng thống là rất lớn, nhưng chúng chỉ được phát huy tối đa khi tổng thống đương nhiệm được đa số các nghị viên ủng hộ.
Một thách thức khác vẫn còn có thể đến từ ông Fonseka mặc dù ông đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử. Vị tướng này đã tuyên bố trước báo giới rằng, kết quả bầu cử không phản ánh được sự nhiệt tình của cử tri đối với ông.
Các nhà phân tích nhận định, khi chiến dịch tranh cử bị hoen ố bởi hơn 800 vụ bạo lực dẫn đến sự thiệt mạng của 5 người, phe đối lập có thể nghi ngờ về sự công bằng trong cuộc bầu cử và sẽ sử dụng điều này làm tiêu điểm để hợp lực đối phó với các cuộc bầu cử sắp tới. Với kịch bản như vậy thì sự bất ổn định, không chắc chắn và đối đầu sẽ chưa thể chấm dứt sau cuộc bầu cử tổng thống và tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là đến cuộc bầu cử nghị viện.
Thanh Sang