Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hình thức, gầy ốm hay béo phì còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người.

Chế độ ăn giàu rau củ quả tự nhiên, hữu cơ tốt cho sức khỏe của người thừa cân, béo phì, nhất là sức khỏe tim mạch.

 

 

Một cơ thể suy dinh dưỡng thường đi kèm với tình trạng thấp bé, nhẹ cân, yếu thể lực, giảm khả năng lao động, học tập, vui chơi. Ngoài ra, thiếu chất tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương và gặp nhiều khó khăn trong việc sinh con. Ngược lại, dư thừa cân nặng, mập phì làm tăng mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, xương khớp, sỏi mật, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Người béo phì thường tự ti mặc cảm, khó tiếp cận với các công việc tốt đòi hỏi cao về ngoại hình.

Vì vậy, việc quản lý cân nặng không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề ngoại hình mà còn tốt cho sức khỏe.

Thước đo cho vẻ đẹp và sức khỏe

"Vòng eo" hay “tỷ lệ eo – mông” là những chỉ số quan trọng. Nếu nữ có vòng eo trên 80cm, nam trên 90cm sẽ được gọi là béo bụng. Còn ở những người có tỷ lệ eo – mông 0,85 ở nữ giới và 0,95 ở nam giới, có khối mỡ nội tạng cao thì đều có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch đều… bất kể họ thừa cân hay thiếu cân. Hình dáng “thắt đáy lưng ong” ở phái nữ với tỷ lệ eo – mông nhỏ hơn hoặc bằng 0,7 không chỉ cuốn hút mà còn là thước đo sức khỏe quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều người tuy gầy nhưng cơ thể vẫn có mỡ. Họ ít ăn rau quả, thích ăn thịt, không thường xuyên tập luyện thể dục. Bề ngoài khỏe mạnh của những người này không phản ánh được tỷ lệ mỡ trong cơ thể và các vấn đề sức khỏe có thể gặp phải. Một người có thể gầy nhưng nội tạng của họ bị bao phủ bởi lớp mỡ rất dễ dẫn đến huyết áp cao, đường huyết cao, tiền đề của các bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ.

Thực đơn lý tưởng

Để cơ thể được cân đối và khỏe mạnh từ bên trong đến bên ngoài, cần ăn uống đủ chất phù hợp với nhu cầu, không để thiếu hoặc thừa. Với 3 bữa ăn chính cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, vitamin-khóang chất-dưỡng chất thực vật) và nên sử dụng sữa hàng ngày với loại thực phẩm bổ sung phù hợp.

Các loại thực phẩm giàu đạm cần ăn đủ mỗi bữa với khoảng 50g thịt hoặc100g cá, tôm, cân bằng với protein thực vật trong bữa ăn hằng ngày để đảm bảo đủ protein cho cơ thể (60 – 70g protein/ngày). Các loại thực phẩm giàu bột đường như cơm, bún, mì, nui và lượng dầu mỡ là các thành phần cần linh hoạt gia giảm tùy vào thể trạng và mức độ lên cân hay xuống cân. Rau và trái cây ít ngọt là thành phần có thể ăn nhiều, giúp no nhưng không làm tăng cân không mong muốn. Bạn có thể hay thế bằng các loại viên nén chiết xuất từ các loại rau củ quả đa sắc màu hoặc viên nhai giàu chất xơ từ rau quả tự nhiên, được thu hoạch tại các trang trại hữu cơ đạt chuẩn.

Ngoài ra, bạn cần nâng cao chất lượng giấc ngủ, cải thiện tâm trạng, rèn luyện các loại hình vận động thể lực đều đặn bằng lối sống năng động, tham gia các môn thể dục thể thao yêu thích. Mục đích cuối cùng là bản thân mỗi người có thể chăm sóc sức khỏe chủ động và đưa mình vào một kỷ luật nhất định để rèn luyện sức khỏe.

Nguồn: Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy ( VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *