Hôm 13/05, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thông qua các biện pháp mới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách sau khi Tây Ban Nha, một thành viên trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu eurozone, đã chính thức tham gia chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" của khu vực này nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát khủng hoảng nợ trên toàn châu Âu.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định cắt giảm mạnh tiền lương và chi tiêu cho các dịch vụ công cùng với việc tăng thuế nhằm làm giảm hơn một nửa thâm hụt ngân sách của nước này. Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates cho biết, chính phủ sẽ cắt giảm 5% tiền lương của công chức và quan chức nhà nước, trong đó có cả các bộ trưởng, tăng 1% thuế giá trị gia tăng lên 21%.
Ông cũng cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ 9,4% năm 2009 xuống còn 4,6% vào cuối năm 2011, trong khi tăng từ 1 – 1,5% mức thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao. Thủ tướng Socrates đã kêu gọi người dân Bồ Đào Nha hiểu và chấp nhận các biện pháp khắc khổ của chính phủ đồng thời nhấn mạnh rằng, Lixbon chỉ có 6 tháng để giảm thâm hụt ngân sách.
Thâm hụt ngân sách đã giáng một đòn nặng vào tài sản của Bồ Đào Nha từ tháng Giêng, và nước này có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ như kiểu của Hy Lạp. Đảng Xã hội của Thủ tướng Socrates cầm quyền trong chính phủ thiểu số và cần sự ủng hộ của phe đối lập để thông qua các dự luật tại Nghị viện.
Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng của Bồ Đào Nha đã gọi chương trình nói trên của chính phủ là một cú "sốc tài chính". Không loại trừ rằng, chương trình này sẽ vấp phải sự phản đối của dân chúng.
Những biện pháp khắc khổ mới mà chính phủ các nước châu Âu thông qua nằm trong khuôn khổ chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" của Khu vực đồng euro nhằm ngăn chặn "mầm bệnh" khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp lây lan sang các mắt xích yếu khác trong cỗ máy kinh tế Liên minh châu Âu EU.
Quốc Trung