Bên bờ hạnh phúc

…hai đường “chữ trinh”

 “Nỗi đau khi ghen chồng nó khó tả lắm. Nó vừa tức, vừa uất ức, vừa căm giận vừa lo sợ khắc khoải”. Đó là lời tâm sự của Dạ Thảo (nhân vật người vợ trong phim) và cũng là nỗi lòng của bao nhiêu người phụ nữ khác trong xã hội, bởi không đớn đau nào bằng một tình yêu bị sẻ chia, không cay đắng nào hơn khi phải sống kiếp chung chồng! Sự hờn ghen đã khiến người phụ nữ phải nhen nhúm những tính toán để mong độc chiếm trọn vẹn hạnh phúc cho riêng mình. Tuy nhiên, tình yêu phải đến từ hai trái tim tự nguyện và nó không có chỗ cho sự toan tính, thủ đoạn.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết “Chữ Trinh” của Hạ Thu, bộ phim xoay quanh câu chuyện của “hai người vợ” Trinh Trinh và Dạ Thảo với hai xuất thân, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung  một người chồng – Thế Khải.

Khi nhà thuốc Hòa Hưng Đường – tâm huyết của tổ tiên để lại bị người chú đem rao bán, Thế Khải đã vì tâm nguyện của cha, vì ước mong của mẹ mà mua lại nhà thuốc với sự trợ giúp của ông Phát – người bạn thân của cha anh.Tuy nhiên, Thế Khải phải cưới Trinh Trinh  – con gái của ông Phát  – vì lời giao ước ngày xưa của hai gia đình, trong khi Khải đã có người yêu là Dạ Thảo. Không đành lòng phụ bạc người yêu, cũng không thể làm khác hơn trước ân nghĩa quá lớn của ông Phát, Khải đành cưới Trinh Trinh.

Ngày cưới của Khải, Thảo đến tận ngõ hoa để trông thấy người mình yêu sánh đôi cùng cô gái khác, trong trang phục chú rể. Thảo gục khóc tức tưởi.

Tưởng rằng đã lạc mất nhau mãi mãi, Thảo đồng ý lấy Tỉn – người bạn trai cùng quê thầm yêu cô từ lâu – như một cách chôn vùi nỗi đau với Khải.

Nhưng khi Thảo chuẩn bị phát thiệp hồng thì Khải quay về bên cô bởi anh không tìm được hạnh phúc với Trinh Trinh khi cô thú nhận mình đã không còn trinh trắng, vẹn nguyên khi về với Khải. Sự tự ái của một gã đàn ông gia trưởng, sự tức giận vì cho rằng ba má Trinh muốn gài mình “đổ vỏ”, Khải đay nghiến Trinh, hành hạ cô và tìm về với Dạ Thảo.

Dâng hiến cho Khải cái quý giá vẹn nguyên của một người con gái, Dạ Thảo được Khải hết lòng yêu thương và quyết cưới cô làm vợ. Càng yêu thương, trân trọng Thảo, Khải càng chán ghét và  ghê tởm Trinh Trinh. Bấy giờ Khải đã là ông chủ lớn nên đã mang đến cho Thảo một cuộc sống sung túc.

Sự đủ đầy vật chất khiến Thảo bắt đầu sa đọa và dần thay đổi tính cách để trở thành con người thủ đoạn hơn.Cô bỏ rơi đứa con của mình với Khải khiến anh vô cùng đau đớn. Trong khi đó, Trinh Trinh lại lặn lội đi tìm và mang đứa bé về nuôi dưỡng. Sự hy sinh, dịu dàng và tận tụy của Trinh Trinh dần khiến Khải yêu mến và từ từ lạnh nhạt với Thảo.

Linh cảm của một người phụ nữ khiến Thảo lo sợ, cô đã tìm cách hãm hại Trinh Trinh để thoát  “kiếp chung chồng” …

Trên bối cảnh nói về “chữ trinh” của hai người vợ, bộ phim gửi gắm thông điệp: Chữ trinh của một người phụ nữ dù quan trọng nhưng nó không phải là thước đo đánh giá nhân cách, phẩm hạnh của một người phụ nữ.

Hai người vợ đại diện cho hai đường “chữ trinh”. Một Dạ Thảo với chữ trinh trong trắng, vẹn nguyên về hình thức để dâng tặng cho người đàn ông của đời mình nhưng phía sau “chữ trinh” ấy là sự nhàu nhĩ của tâm hồn, phẩm chất:một người phụ nữ ngoại tình khi đã có chồng; một người mẹ sẳn sàng bỏ rơi núm ruột của mình. Nhân cách ấy dù trinh trắng, vẹn nguyên từ đầu nhưng lại bị những tham vọng, ghen hờn xé phẩm hạnh thanh tao, cao quý.

Ngược lại, với Trinh Trinh, “chữ trinh” bị đánh mất là cội nguồn của mọi bất hạnh trong cuộc đời cô từ khi lấy chồng. Trong một xã hội mà người ta vẫn đề cao sự mong manh của màng trinh, trong một gia đình mà người chồng mang tính gia trưởng thì việc cưới một người vợ “đã qua tay một người đàn ông khác” là sự sỉ nhục quá lớn. Vì thế, Trinh Trinh phải gánh chịu nỗi tủi nhục và đắng cay vô vàn.

Nhưng cô đã sống và cư xử với một nhân cách vô cùng cao quý. Cô không lừa gạt Thế Khải mà thẳng thắn thú nhận với anh mình không còn trinh trắng. Cô chấp nhận sự hành hạ, đay nghiến của Thế Khải như một cái giá phải trả cho việc mình không giữ được trinh tiết cho chồng. Cô âm thầm đi tìm đứa con mà Dạ Thảo bỏ rơi chỉ để mong mang đến cho chồng  hạnh phúc, bình yên…

Với diễn xuất tự nhiên nhưng sắc sảo, Ngọc Lan đưa người xem từ cảm giác yêu mến cô gái chân chất, hiền lành Dạ Thảo sang cảm giác vừa cảm thông cho sự hờn ghen của một người phụ nữ vừa ghét con người nham hiểm, thủ đoạn trong cô. Đối lập với Ngọc Lan là một Trinh Trinh thâm trầm và giàu đức hy sinh của Quỳnh Lam, luôn yêu thương và tận tụy với chồng dù phải chịu bao đắng cay…

Đón xem “Hai người vợ” được phát sóng trên kênh THVL1 từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, bắt đầu từ ngày 02/01/2016. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *