Bên bờ hạnh phúc

Được xây dựng trong 15 năm nhưng kinh đô Fatehpur Sikri chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi rồi bị bỏ hoang phế từ cuối thế kỷ XVI do các nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt. Ngày nay, tòa thành tuyệt đẹp này trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Ấn Độ.

Fatehpur Sikri – Di sản văn hóa thế giới năm 1986

 

Nằm trên một ngọn đồi cao, cố cung Fatehpur Sikri – Di sản văn hóa thế giới năm 1986 – thu hút sự chú ý ngay khi chiếc xe bus chở chúng tôi tới đầu ngôi làng nhỏ cùng tên. Xuống xe, chúng tôi đi bộ theo con đường gập ghềnh lên đồi, len lỏi qua một góc chợ quê đặc trưng của Ấn Độ với những người dân thân thiện và các quầy hàng đủ màu sắc. Ấn tượng nhất là những quầy bán bột màu, loại bột mà người dân địa phương thường tung lên người chúc phúc cho nhau trong dịp lễ Holi đầu mùa xuân.

Lên tới đỉnh đồi, chúng tôi hào hứng theo chân các tín đồ Hồi giáo bước vào giáo đường Jama Masjid với cánh cổng khải hoàn môn cao tới 54m. Đây là công trình ghi dấu chiến công lẫy lừng của hoàng đế Akbar, người đã xây dựng nên hoàng cung này. Bên trong giáo đường, có một tòa lăng mộ cẩm thạch trắng tưởng nhớ vị thánh Shaikh Salim Chishti. Theo truyền thuyết, chính vị thánh này đã giúp hoàng đế Akbar có thái tử nối dõi. Vì vậy ngày nay, các gia đình hiếm muộn vẫn tìm tới đây, gửi lời cầu nguyện vào những sợi chỉ đỏ buộc lên các khung cửa cẩm thạch. So với các giáo đường Hồi giáo khác, Jama Masjid đặc biệt quyến rũ nhờ những họa tiết trang trí tinh xảo với màu sắc và hoa văn rất đẹp.

Cổng khải hoàn môn cao 54m của giáo đường Jama Masjid

 

Tuy nhiên, các tinh hoa kiến trúc của Fatehpur Sikri vẫn còn nằm ẩn mình sau những cánh cổng đá, nơi các lâu đài và cung điện đã chìm vào quên lãng hàng trăm năm nay. Lộ trình tham quan dẫn chúng tôi đi qua các tòa hậu cung với kiến trúc rất khác biệt của ba hoàng hậu thuộc ba tôn giáo khác nhau: Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Di sản thế giới Fatehpur Sikri vốn được đánh giá cao ở sự kết hợp hài hòa nhiều phong cách kiến trúc, tạo nên một thiết kế độc đáo mang đậm dấu ấn của hoàng đế Akbar.

Hồ nước nhỏ với sân khấu nổi trên mặt nước

 

Ở chính giữa quần thể này là một hồ nước nhỏ với sân khấu nổi trên mặt nước từng là nơi giải trí của hoàng gia. Chúng tôi leo lên vọng lâu Daulat Khana, nơi khi xưa vua Akbar thường ngồi xem các buổi biểu diễn. Từ đây, có thể nhìn thấy toàn cảnh khu hoàng thành, nhưng nếu muốn chiêm ngưỡng các đường nét kiến trúc tinh xảo cũng như sự tài hoa của các nghệ nhân cổ thì bạn phải xuống thật gần, xem thật kỹ từng căn phòng. Bắt đầu từ Diwan-i-Khas, phòng họp kín của nhà vua và bốn vị quan đầu triều với kiến trúc đồ sộ đầy quyền lực nhưng vẫn uốn lượn mềm mại. Bên cạnh đó là một căn phòng nhỏ nơi các tài sản của hoàng gia được cất giấu trong những hốc bí mật trên tường và được canh giữ bởi những con quái vật biển dữ tợn chạm khắc trên xà nhà.

Các hoa văn trang trí từ thế kỷ XVI vẫn còn rất sắc nét

 

Chúng tôi tiếp tục băng qua “khu vườn của các hoàng hậu” với muôn hoa đang khoe sắc để tới thăm cung Rumi Sultana, vốn được coi là viên ngọc quý nhất của cụm di sản Fatehpur Sikri. Tuy không đồ sộ về kích thước, nhưng Rumi Sultana thật sự là một tuyệt tác điêu khắc. Mọi chi tiết trong căn phòng bằng đá sa thạch này, từ mái nhà đến các bức tường, đều được chạm khắc kín các họa tiết hoa lá, phong cảnh. Trải qua hàng trăm năm dâu bể, các đường nét điêu khắc vẫn sắc sảo, sống động lạ thường. Cũng giống như các lâu đài thành quách ngoài kia, dù sắc đá sa thạch đã phai màu theo thời gian nhưng vẫn còn ánh lên sắc hồng ấm áp dưới làn nắng nhẹ đầu xuân.

Một bức tranh bằng đá trong cung Rumi Sultana

 

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *