Làm sao có thể đong đếm bao nỗi nhọc nhằn trên bước đường mưu sinh lập nghiệp của người dân lao động nghèo. Quanh năm miệt mài làm lụng trên những cánh đồng sâu hay lặn ngụp dưới nước nhận từng thùng đất nặng nhọc… tất cả chỉ để đổi lấy chén cơm manh áo cho cả gia đình, rồi đến nửa đời người mà một mái nhà đàng hoàng vẫn chỉ là mơ ước…
Ông Trần Văn Bé ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Quới
Các con đều có gia đình riêng nhưng vì nghèo khó nên không phụ giúp được nhiều cho cha mẹ, vậy là ở tuổi ngoài 60, ông Bé và bà Mai vẫn từng ngày vất vả sớm hôm đi mò cua, bắt ốc để lo cho cuộc sống của chính mình.
Thương cha mẹ trọn một đời vất vả vì con nên dù thường xuyên bị co giật do căn bệnh động kinh hành hạ cơ thể hơn 20 năm qua nhưng tranh thủ lúc khỏe anh Trần Ngọc Chơn – con trai ông Bé – lại gắng gượng đi vác lúa, phụ hồ hay nhận đất thùng phụ gia đình trang trải cuộc sống.
Khó nghèo, bệnh tật vây quanh cùng số nợ 20 triệu đồng vay mượn chăn nuôi vịt thất bát khi xưa vẫn chưa trả được thì ước mơ an cư thoát nghèo của cả gia đình biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực?
Ông Đào Minh Hà ngụ ấp Phước Yên A
Vì chén cơm manh áo, vì thương vợ thương con và vì trăn trở nhiều về cảnh nhà nghèo khó nên dù tuổi cao sức yếu ông Hà vẫn gắng sức đi phơi lúa thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Mong muốn san sẻ cùng chồng bớt phần gánh nặng áo cơm nên bà Nguyễn Thị Chính – vợ ông Hà – nén nỗi nhớ quê, lặn lội lên tận thành phố HCM để đi giúp việc nhà những mong số tiền công ít ỏi kiếm được mỗi tháng có thể trang trải trước sau.
Thấu hiểu những nhọc nhằn của cha mẹ nên em Đào Nhựt Luân – con trai út ông Hà – tranh thủ đi bắt ốc, hái rau sau giờ học để phụ gia đình thang thuốc cho người anh trai mắc bệnh tâm thần, cùng đó là nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo bằng chính con đường học tập.
Trước bao khốn khó của bệnh tật bủa vây cùng chuyện học hành của con chưa thể lo tròn thì chặng đường vượt khó của gia đình ông Hà, bà Chính sẽ còn lắm gian nan ở những ngày sắp tới.
Ông Phạm Văn Tư ngụ ấp Phú Thạnh B
Tuổi cao sức yếu lại mang trong người căn bệnh tai biến hiểm nghèo nên ở tuổi gần 70, cuộc sống của ông Tư, bà Sang ngụ ấp Phú Thạnh B phải phụ thuộc hoàn toàn vào con cháu.
Không đành lòng nhìn cha mẹ tuổi cao sức yếu nhưng vẫn bị bệnh tật đêm ngày hành hạ, anh Phạm Minh Phụng – con trai ông Tư – gác hạnh phúc riêng tư, sớm hôm miệt mài lao động những mong sao đủ tiền thuốc thang cho cha mẹ và trả bớt số nợ hơn 20 triệu đồng vay mượn chăn nuôi heo thua lỗ vì dịch bệnh khi xưa.
Trăn trở vì cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khốn khó khi công việc thuê mướn bấp bênh, còn bệnh tật thì vẫn còn dai dẳng, nên ước mong sửa lại căn nhà cho lành lặn để cha mẹ an lòng lúc tuổi xế chiều nhiều năm qua, anh Phụng vẫn chưa thể thực hiện được.
Bà Trần Thu Vân ngụ ấp Phú Long A
Cùng nỗi lo về bệnh tật ở tuổi xế chiều còn là hoàn cảnh của bà Trần Thu Vân ngụ ấp Phú Long A. Bị liệt nửa thân người vì căn bệnh tai biến hơn 6 năm qua nên giờ đây người mẹ nghèo đành xót lòng nhìn các con trải qua những tháng ngày cơ cực mà bản thân chẳng san sẻ được gì.
Tuổi thơ khiếm khuyết tình thương vì cha bỏ đi hơn 20 năm nên anh em anh Nguyễn Thanh Ý – con bà Vân – chỉ có tình thương của mẹ làm động lực để vượt qua những khốn khó của đời nghèo.
Đồng cảm và xót thương cho cảnh nhà nghèo khó của gia đình bà Vân nên ông Trần Thanh Xuân – em trai bà – thường lui tới chăm sóc, thuốc thang cho chị để các cháu yên tâm làm lụng mà vượt qua cảnh nhà nghèo khó. Thế nhưng khi bệnh tật còn nặng gánh âu lo, căn nhà còn chấp vá tạm bợ thì một tương lai khởi sắc hơn với gia đình vẫn còn xa lắm…
Anh Trần Thanh Việt, ấp Phú Thạnh B
Cùng cảnh đời cút côi, chúng tôi tìm đến ấp Phú Thạnh B để lắng nghe nỗi lòng của những đứa trẻ sớm thiếu đi tình thương của mẹ, bao năm qua vẫn dặn lòng cùng nhau khôn lớn.
Xót xa vì căn bệnh ung thư cướp mất đi người vợ thân yêu bao nhiêu, là anh Trần Thanh Việt nhủ lòng phải cố gắng làm lụng nhiều hơn bấy nhiêu để lo cho các con ăn học đúng như di nguyện của người vợ quá cố. Thế nhưng vài chục ngàn kiếm được mỗi ngày từ những xâu bò viên của người cha đơn thân chẳng đủ xoay sở bao khoản chi tiêu trong ngoài. Thêm vào đó số nợ hơn 40 triệu đồng vay mượn trị bệnh cho vợ trước đây chưa trả được càng khiến bài toán áo cơm của anh Việt thêm nặng oằn trên chặng đường tương lai phía trước.
Chị Nguyễn Thị Điệp, ấp Hòa Phú, xã Hòa Ninh
Cùng hoàn cảnh một mình nuôi con còn là câu chuyện về gia đình chị Nguyễn Thị Điệp ngụ ấp Hòa Phú, xã Hòa Ninh. Sau lần hôn nhân đổ vỡ, chị Điệp đi bước nữa những mong tìm được người san sẻ phần nào gánh nặng gia đình. Nào ngờ hạnh phúc cũng không được trọn vẹn khi người chồng sau bất ngờ mất đi vì cơn đột quỵ. Vậy là hơn 10 năm nay, chị phải một mình nuôi hai đứa con bằng các công việc thuê mướn với thu nhập chỉ vài chục ngàn mỗi ngày.
Thương mẹ ngày đêm cơ cực nên em Nguyễn Ngọc Hân – con chị Điệp – luôn chăm ngoan học giỏi và thay người anh Nguyễn Trọng Nguyên đang học Cao đẳng Sư phạm ở Trường Đại học Đồng Tháp đỡ đần các công việc trong ngoài để mẹ an tâm làm lụng lo cho gia đình.
Nếm trải nhiều cay đắng của đời nghèo nên chị Điệp hiểu rằng cần phải có một nơi an cư vững chắc mới có thể vun đắp cho ước mơ học vấn của 2 con. Thế nhưng, số nợ hơn 25 triệu đồng vay mượn làm ăn trước đây vẫn còn là nỗi lo thì cả gia đình biết đến khi nào mới có được căn nhà lành lặn như mơ ước?
Tấn Đạt