Trước những phán đoán về việc Ngân hàng Nhà nước có thể nới biên độ tỷ giá, chiều ngày 25/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định cam kết của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra từ đầu năm là không điều chỉnh tỷ giá quá 2%. Phó Thống đốc cũng đưa ra nhiều ý kiến phản biện lại đề xuất điều chỉnh tỷ giá.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Nguyên nhân biến động tỷ giá thời gian qua, theo bà Hồng, chủ yếu do yếu tố tâm lý trước diễn biến tăng mạnh của USD so với một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Theo Phó Thống đốc, tỷ giá USD trong nước hơn một tuần qua biến động song vẫn trong biên độ cho phép. Hơn nữa, theo quan sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng USD chỉ tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt như đồng euro, bảng Anh và đô la Canada. Tuy nhiên, so với đồng tiền khu vực châu Á, USD lại tăng không nhiều. Cụ thể, Nhân dân tệ hầu như không đổi so với USD, đô la Hong Kong giảm 0,03%, đô la Đài Loan tăng 1,22%, đồng won Hàn Quốc giảm 0,9%. Trong khi đó, thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá mạnh không lớn, trong khi tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá ít so với USD lại cao, nhất là thương mại Việt Nam-ASEAN, Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Mỹ…
Về cung-cầu thị trường ngoại tệ, tất cả các yếu tố về kinh tế cơ bản, theo bà Hồng, không có gì biến động lớn. Dù nền kinh tế nhập siêu khoảng 1,75 tỷ USD sau gần 3 tháng đầu năm nhưng cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư đủ bù đắp do kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn gián tiếp… Tổng thể thặng dư cán cân thanh toán thời điểm hiện tại 2,8 tỷ USD.
Bà Hồng cũng cho biết từ đầu năm đến nay sau đợt điều chỉnh tỷ giá 1% vào ngày 7/1, dự trữ ngoại hối đã tăng hơn khi Ngân hàng Nhà nước mua vào. “Còn ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa phải bán USD ra can thiệp thị trường,” bà Hồng nói.
Theo quan sát của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường cung-cầu ngoại tệ diễn ra bình thường, không có giao dịch đột biến. Ngay cả lượng cung tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết ở mức hợp lý, lãi suất qua đêm ổn định ở mức 3,5% – 4,5%/năm. Tiền đồng không quá dư thừa để là nhân tố khiến các ngân hàng phải mua ngoại tệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ngoại tệ vào và chưa phải bơm ngoại tệ ra thị trường. "Nguyên nhân biến động tỷ giá thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý trước diễn biến tăng mạnh của USD so với một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới," Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Trước ý kiến cho rằng cần tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, theo bà Hồng, xuất khẩu của Việt Nam hiện nay sức cạnh tranh thấp lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu 90% từ nước ngoài, nên khi điều chỉnh tăng tỷ giá doanh nghiệp nhập khẩu khó khăn vì chi phí nhập hàng hóa tăng lên, kéo chi phí sản xuất tăng lên. Nhất là trong bối cảnh cầu nhập khẩu tăng trở lại.
“Rõ ràng, không phải nhất thiết USD tăng mạnh so với đồng tiền chủ chốt thì ta phải điều chỉnh theo. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá ở thời điểm này có lợi nhiều hơn là điều chỉnh,” bà Hồng khẳng định.
Về điều hành tỷ giá thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục bám sát thị trường, điều hành tỷ giá theo hướng ổn định theo biên độ đặt ra từ đầu năm (2%). Biên độ này đã được Ngân hàng Nhà nước tính toán kỹ dựa trên nhiều yếu tố như: xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, lạm phát…
Đáng lưu ý, theo Phó Thống đốc, dù lạm phát hiện nay đang ở mức thấp nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng và không thể chủ quan, nhất là khi giá dầu đang diễn biến khó lường.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp cho thị trường, ngay lập tức, giá USD đã nhanh chóng hạ nhiệt. Buổi sáng ngày 25/3, giá USD tiếp tục giữ mức kỷ lục 21.580 USD tuy nhiên đến buổi chiều, giá USD bán ra nhanh chóng hạ nhiệt xuống còn từ 21.525 đến 21.540 đồng/USD tùy từng ngân hàng, giảm từ 30-50 đồng/USD. Điều này cũng phần nào chứng tỏ, yếu tố tâm lý trên thị trường là có thật./.
Nguồn: