Một trong muôn vàn biểu hiện sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã phát hiện sớm và trọng dụng đúng nhân tài. Người đã chọn Võ Nguyên Giáp, một thầy giáo dạy sử, làm người phụ trách quân sự của Đảng ta, để rồi sau này người học trò xuất sắc ấy "Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn". Vị tướng của nhân dân ấy được biết đến là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX, nhưng ít người biết ông còn là nhà báo cách mạng lớn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, mùa khô 1972 – 1973. Ảnh tư liệu

 

Ông Võ Điện Biên, con trai cả của vị Đại tướng huyền thoại đã tâm sự về người cha đáng kính của mình trong đó có cuộc đời làm báo gần ba phần tư thế kỷ của Đại tướng. Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp viết khi ông mới 16 tuổi đang là một học trò Quốc học Huế, được các bạn đồng liêu gửi đăng lên báo L’ Annam nhan đề “À bas la tyranmeau du collège Quốc học!” (Đả đảo tên bạo chúa ở trường Quốc học!). Bài đó không được đăng nhưng theo tác giả (Võ Nguyên Giáp), “đây là bài được viết với tất cả tâm huyết, rất công phu, thật đáng tiếc!”. Bài báo đầu tay của một học trò từ vùng quê nghèo Quảng Bình ra học ở kinh thành Huế được ra đời như vậy!

Bài báo chính thức đầu tiên của ông được đăng trên tờ Tiếng dân (1929) với tựa đề “Vũ trụ và tấn hóa” (bút danh Hải Anh) khi ông vừa tròn 18 tuổi! Từ buổi ban đầu, Võ Nguyên Giáp đã chọn đối tượng cho các bài báo của mình là những người có trình độ học vấn trung bình trở lên, ông chuyên sử dụng thể loại văn chính luận với lập luận vững vàng, bố cục chặt chẽ, phân tích rất khoa học, lý giải hết sức sắc bén.

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của Mặt trận dân chủ (1936 – 1939), ông tham gia Ban Biên tập của báo Le Travail. Ông là người viết nhiều bài nhất, như những đòn tấn công quyết liệt vào trận địa của kẻ thù. Sau đó ông là cây bút chủ lực, vừa viết bài, vừa sửa bài trên báo Notre Voix (1939). Chặng đường báo chí trong thời kỳ này phản ánh rõ bản lĩnh chính trị, trí tuệ tài năng, phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng thời trai trẻ.

Thời kỳ đánh Pháp đuổi Nhật (1941-1945), Võ Nguyên Giáp kể lại hồi ức của mình qua bài viết “Từ nhân dân mà ra”; sau đó ông làm chủ bút các báo Nước Nam mới, Quân giải phóng… ông viết về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống Pháp với hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”. Hồi ký có kể về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã làm nên bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam – như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Trong thời kỳ chống Mỹ hào hùng, quân và dân ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều bài trên các Tạp chí Học tập, Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân… với rất nhiều chủ đề. Bài báo để lại ấn tượng sâu sắc nhất và dài nhất của Đại tướng là “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” (sau này được in thành sách với 246 trang!) được coi như tác phẩm Binh thư Việt Nam thứ hai trong lịch sử Việt Nam. Những trang viết, tiếng nói của Nhà báo – Đại tướng có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người đã làm ông trở thành Anh bộ đội Cụ Hồ Việt Nam đẹp nhất, vị Tổng Tư lệnh trí dũng vẹn toàn. Những ai đã có dịp nghe Đại tướng nói chuyện hẳn không thể nào quên được nguồn cảm hứng vô tận mà ông đã khơi dậy ở người nghe; sức thuyết phục của bài viết, bài nói của ông và con người nhân văn đức độ với trí tuệ uyên bác đến tuyệt vời luôn tỏa sáng từ ông!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số ít những nhà lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, quân đội nhiều năm được sống và làm việc trực tiếp với Bác Hồ; được sự chỉ bảo tận tình của Người và ông đã tỏ rõ là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết và nói về con người và sự nghiệp vĩ đại của người thầy – Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa lớn của thế giới bằng phân tích lý luận kết hợp với diễn giải những hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, chứa chan tình cảm, nên có sức lôi cuốn đặc biệt đối với người đọc, người nghe.

Một điều rất đáng khâm phục nữa ở Võ Nguyên Giáp, đó là ông đã sớm nhận ra tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông chủ biên cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” (1977) và ba bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản (1996) với chủ đề xoay quanh tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ tư tưởng sáng tạo của Người. Ông khẳng định: Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sống mãi và mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Điều khẳng định của ông cách đây gần một phần tư thế kỷ đã được thực tiễn chứng minh một cách vô cùng sinh động và trở thành một chân lý thời đại.

Là một trí thức cách mạng, ham học, biết rộng và sâu; sau này ông lại là một nhà cầm quân để rồi trở thành một huyền thoại lịch sử; một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại. Nhưng hơn hết thảy những điều đó, ông có một tâm hồn thấm đẫm chất nhân văn hiếm có của một người làm Tướng. Những bài báo của nhà báo Võ Nguyên Giáp mang một hàm lượng trí tuệ rất lớn, làm ông thực sự trở thành một nhà báo chính luận vĩ đại. Những bài báo của ông đã góp phần phát huy bản chất truyền thống cách mạng, rèn luyện đội ngũ cách mạng. Đây là một kho tàng văn hóa rất lớn về tinh thần, chính trị, quân sự vô cùng quý báu cần giữ gìn, khai thác, phát huy cho ngày nay và các thế hệ mai sau; là một nguồn tự hào của nhân dân ta đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới.

Dân tộc ta, nhân dân ta biết đến ông với những võ công sánh Lý, Trần; lại được biết đến ông với những đóng góp to lớn của ông cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc – thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Nguồn: Th.S Võ Quốc Hiển ( Hà nội mới )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *