Ở một số người, bật đèn sáng khi ngủ giúp họ đỡ sợ bóng tối hoặc các bà mẹ có con nhỏ để điện sáng nhằm dễ quan sát bé vào ban đêm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế đèn sáng để hormon cơ thể được phát triển đúng chu kỳ.
Không có đèn không thể ngủ
Theo ThS Nguyễn Hoàng Nghiên, Trung tâm Sinh học khoa giáo Ánh sáng, nhu cầu để đèn sáng khi ngủ là thói quen không tốt và có ảnh hưởng phần nào đó đến nhịp độ sinh học của cơ thể. Cụ thể, vào buổi tối cơ thể sẽ sản sinh ra hormon có tên gọi melatonin có chức năng duy trì nhịp sống bình thường cũng như điều chỉnh chu kỳ của một số chức năng sinh lý trong cơ thể. Hormon được sản xuất một cách tự nhiên trong bóng tối hay nói cách khác bóng tối về đêm sẽ giúp sản sinh ra chất melatonin ổn định.
Nếu bạn ngủ mà vẫn bật điện sẽ gây rối loạn quá trình sản xuất melatonin ở người, làm sai lệch chu kỳ phát triển của cơ thể. Vì lý do này mà chúng ta có ngày và đêm cũng như các ánh sáng phù hợp với mục đích sử dụng. "Các ánh sáng có năng lượng và bước sóng khác nhau từ đó các tác động đến cơ thể con người. Ví dụ, các thông tin cho thấy, ánh sáng đỏ sẽ đảm bảo cũng như tốt hơn ánh sáng của bóng đèn neon vì các bước sóng khác nhau".
Ảnh minh họa
Có thể làm con người lão hóa nhanh hơn
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, ở một số loài cây người ta cho tăng ánh sáng vào ban đêm để chúng ra quả sớm, hay cho gà đẻ ánh sáng đỏ vào chuồng cả ngày để đẻ nhiều trứng hơn. Hiện nay, chúng ta chưa có tài liệu nghiên cứu chính xác có ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào.
Nhưng nếu theo phương pháp suy luận, bật đèn buổi tối có thể làm con người lão hóa nhanh hơn. Ngoài ra, điều hiển nhiên chúng ta nhận thấy chính là khi bật đèn ánh sáng sẽ kích thích thần kinh khiến chúng ta khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc từ đó ảnh hưởng thần kinh, ấy là chưa kể đến việc bật đèn sẽ làm tốn điện năng hơn. Riêng đối với các trường hợp phải sử dụng ánh sáng buổi tối sẽ có liệu pháp ánh sáng riêng.
Vì các yếu tố trên, các chuyên gia đều khuyến cáo, khi đi ngủ nên tắt đèn. Trường hợp cần thiết hoặc lo lắng, sợ bóng tối có thể dùng đèn hẹn giờ tắt hoặc ánh sáng mờ từ đèn ngủ mở số nhỏ hoặc ánh sáng mờ từ ngoài đường hắt vào. Khi dậy đi vệ sinh ban đêm cũng chỉ nên bật đèn ngủ mờ, tránh ánh sáng chói làm tỉnh giấc ngủ.
Đêm khuya để đèn, dễ béo
Dựa theo đánh giá từ thí nghiệm trên chuột trong thời gian dài, Đại học bang Ohio, Mỹ đã phát hiện, những con chuột phải sống dưới ánh sáng đèn ngay cả đêm khuya có thể trọng tăng hơn 40%. Bởi, ánh đèn kích thích tới khu vực trao đổi chất của não, làm rối loạn chức năng trao đổi chất, gây tình trạng tích trữ chất béo quá lượng, từ đó dẫn đến tăng cân không kiểm soát.
Các chuyên gia khoa học Mỹ mới đây chỉ ra, ở các thành phố lớn – nơi đèn điện thông đêm, tỷ lệ người dân béo phì tăng cao. Việc ngủ hoặc sinh hoạt và làm việc dưới ánh đèn thời gian dài khi đêm khuya gây biến đổi quy luật trao đổi chất, dẫn đến nhu cầu ăn uống cũng biến đổi. Có nhiều loại ánh sáng đèn khi tối trời như ánh sáng từ đèn điện trong phòng, bên ngoài đường phố, phát ra từ ti vi hoặc máy vi tính. Lưu ý, chỉ cần sinh hoạt dưới các loại ánh sáng này khi đêm khuya, sẽ tăng nguy cơ béo phì. Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, đi ngủ nên tắt hết đèn, càng về khuya càng cần giảm cường độ ánh sáng của ti vi và máy tính, nhằm giảm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do ô nhiễm ánh sáng.
Theo Sức khỏe và Đời sống