Ai cũng muốn cơ thể mình thơm tho, nhưng khi trời nóng bức hay khi vận động nhiều, mồ hôi có thể tiết ra, gây mùi khó chịu. Việc cải thiện và tẩy mùi cơ thể ở một số vùng nhạy cảm đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.

BS Lê Ngọc Diệp (Trưởng Phòng khám Da liễu cơ sở II – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) tư vấn: Mỗi người có một mùi đặc trưng khác nhau là do tuyến mồ hôi tiết ra, gặp vi khuẩn trên da, phát tán thành những mùi riêng biệt. Mùi do tuyến mồ hôi, đường tiêu hóa và hệ thống hô hấp góp phần tạo ra. Ngoài những yếu tố bệnh lý, những người bị bệnh viêm dạ dày, bệnh viêm đường tiết niệu, bệnh ngoài da, người đang sử dụng một số thuốc đặc trị, cần điều trị tận gốc của căn bệnh trước khi trị mùi cơ thể. Còn lại, đa số người bị mùi hôi nặng nhẹ là do quá trình vệ sinh và sinh hoạt cá nhân chưa đúng cách. Để tránh “nặng mùi”, bạn nên hạn chế thức ăn như hành, tỏi, gia vị nóng kích thích tuyến mồ hôi. Rượu bia, thuốc lá cũng khiến đường hô hấp của bạn thường xuyên tiếp xúc với khí thải và men chua, nên tích tụ mùi khó chịu. Những loại thịt động vật như thịt chó, cừu hay dê, thủy hải sản như tôm cá khiến hệ tiêu hóa của bạn không thể “hóa giải“ mùi đặc trưng của loại thực phẩm này ngay lập tức. Để vệ sinh răng miệng và làm thơm hơi thở, bạn nên súc miệng bằng nước muối loãng diệt khuẩn sau khi ăn, dùng nước trà thường xuyên và ăn các loại trái cây tươi hỗ trợ men tiêu hóa, tránh ăn thực phẩm khó tiêu, đầy hơi.

Để tẩy mùi cơ thể, bạn có thể dùng phương pháp xông hơi (tinh dầu tự nhiên) hàng tuần, hàng tháng, giúp lỗ chân lông thông thoáng, không tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và ẩn nấp. Các vùng da kín như chân, nách, háng nên sử dụng nước diệt khuẩn, dùng loại vớ, giày và áo quần thấm mồ hôi để da luôn sạch sẽ và khô ráo. Không để giày bị ẩm ướt và nên làm vệ sinh thường xuyên, phơi ở nơi thoáng khí, không mặc quần áo hay dùng vớ lần hai. Trường hợp bạn có mùi ở nách, ngoài yếu tố mang tính di truyền hay do cơ thể, bạn cần kiên nhẫn và có thời gian điều trị “vùng cánh” bằng phương pháp thủ công như dùng bột phèn, chanh tươi, giấm pha loãng. Các chất này có tác dụng hạn chế sự hoạt động của vi khuẩn gây mùi cơ thể. Song song đó, bạn nên chọn những sản phẩm khử mùi phù hợp. Đặc biệt, khi dùng các loại nước khử mùi và nước hoa, bạn cần giữ cơ thể sạch sẽ, không dùng các loại nước hoa quá nồng, khiến mùi mồ hôi sẽ càng “nặng”.

Để giữ cơ thể thơm tho, cần bảo vệ làn da luôn sạch sẽ, không để bụng đói hay tinh thần căng thẳng mệt mỏi. Hàng ngày, bạn cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, trung bình khoảng hai lít nước/ngày. Trong khẩu phần ăn, bạn nên tăng cường các loại rau thơm có tính khử mùi hôi từ thuốc lá hay mùi tanh như rau ngò, ngải cứu, nước quế, hồi, các loại trái cây chứa nhiều vitamin C, rau củ nhiều chất xơ và sữa chua không đường để hỗ trợ tiêu hóa.

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *