Ảnh minh họa: internet

 Ăn uống đúng cách sẽ giúp đẹp hơn, trẻ hơn, khỏe hơn… Tuy nhiên, để giữ mãi nét thanh xuân không ít người quyết chí dùng một loại thực phẩm liên tục trong thời gian dài…Điều này có tốt không?

Đầu tiên là khoai lang. Việc quyết tâm ăn một củ khoai lang mỗi ngày bên cạnh những bữa ăn đang được không ít người thực hiện. Đơn giản chỉ vì khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng như sinh tố A, C, B6, khoáng chất canxi, sắt và giàu chất xơ… có khả năng ngăn chặn loãng xương, đẹp da, sáng mắt… Ăn khoai lang trước khi vào bữa sẽ giảm được khẩu phần ăn, nhờ vậy giảm cân. Do đó, không ít người sau khi ăn thường xuyên đã cảm giác ngán “tận cổ” nhưng vẫn cố nuốt để có được ích lợi từ khoai lang.

Loại quả mà nhiều người chọn ăn mỗi ngày là chuối. Chuối được ưu tiên chọn lựa vì câu: “Mỗi ngày một trái chuối khỏi cần gặp bác sĩ”. Thực tế cho thấy, chuối là loại trái cây tốt, tráng miệng một trái chuối sau mỗi bữa ăn là chọn lựa thông minh. Những ai căng thẳng, tâm trạng không vui, ăn chuối vào cũng thấy phấn chấn, yêu đời hơn vì chuối chứa nhiều tryptophan, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành serotonin (hoạt chất giúp tâm trạng thư giãn, sảng khoái). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, mỗi ngày ăn ba trái chuối sẽ ngăn ngừa được nguy cơ đột quỵ. Các bác sĩ tim mạch tại TP.HCM cũng khuyên bệnh nhân nên ăn chuối, vì chuối chứa nhiều kali giúp cân bằng natri, ổn định huyết áp, dịu cơn căng thẳng…

Táo cũng là loại quả được “lên lịch” ăn mỗi ngày vì có câu nói: “Mỗi ngày một quả táo buộc bác sĩ rời xa mình”. Táo cũng giúp giảm cân. Cụ thể, trong “cuộc đua” giữa các phụ nữ ăn táo, lê và bột yến mạch thì táo và lê chiến thắng vì có công dụng giảm cân. Táo chứa nhiều acid folic tham gia bảo vệ tim mạch. Táo cũng được đưa vào nghiên cứu dùng liên tục bốn tuần thì hạ được cholesterol xấu. Xem ra, cả ba loại củ quả nêu trên đều rất tốt. Tuy nhiên, thực phẩm nếu lạm dụng cũng nảy sinh “sự cố”.

BS Lương Lễ Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp TP.HCM, nhận định: “Những thông tin cho rằng nên ăn khoai lang mỗi ngày là không đúng. Trong khoai lang có chứa sinh tố, chất xơ thì trong các loại rau củ khác cũng có. Việc ăn đến nỗi ngán mà vẫn cố nuốt khiến cho mặt mày nhăn nhó, stress là điều không nên…”.

Chuối chứa nhiều kali, là loại trái cây mà bệnh nhân tim mạch cần ưu tiên dùng, nhưng những người thiếu kali mới cần bù, còn những người có sức khỏe bình thường thì chưa cần thiết phải ăn. Riêng những người bệnh thận thì không được ăn chuối. Người bị bệnh tiểu đường cũng nên hạn chế dùng chuối, vì đây là loại trái cây ngọt. Song, nếu nói về kali thì có nhiều loại quả chứa kali, tuy không nhiều như chuối nhưng dùng để thay thế cũng tốt cho cơ thể như: đu đủ, cam, dưa hấu, lê… Các loại rau chứa nhiều kali là: lá lốt, rau lang, rau dền… Không chỉ chứa kali mà các loại rau này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp vẻ đẹp bền lâu.

BS Đào Thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: Cơ thể cần 40 chất dinh dưỡng để đạt sự cân đối chuyển hóa. Việc dùng mỗi ngày một loại thực phẩm sẽ dẫn đến thừa một số chất và thiếu một chất làm mất cân đối chuyển hóa không có lợi cho sức khỏe”. Các món ăn càng đa dạng, càng cung cấp đủ chất cho cơ thể, và càng có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, tín hiệu mà cơ thể thiếu chất thông báo cho chúng ta là thèm ăn món này, món nọ. Còn ngán tức là báo hiệu cơ thể đã đủ đầy cần chuyển “đối tượng” khác mới hơn, ngon hơn. Trợn trắng mắt mới nuốt nổi, ngán mà vẫn ráng ăn… sẽ khiến xảy ra hàng loạt phản ứng tiêu cực (căng thẳng, mệt mỏi, chán chường…) có khả năng tạo nếp nhăn với tốc độ bất ngờ. Tưởng đẹp hóa xấu là vậy!

Theo Cát Tường ( Phunuonline )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *