Mặc dù thu nhập từ nghề buôn bán của gia đình ông Đặng Hữu Đức ở ấp Tân An, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long rất khá, nhưng sức hấp dẫn của mô hình trồng cam sành nghịch vụ ở địa phương trong mấy năm qua khiến ông tích cực tìm đến với nghề này. Thời điểm này, ông Đức rất phấn khởi với kết quả thu được trên mảnh vườn sau 4 năm vừa nghiên cứu cách trồng vừa canh tác. Ông cho biết, mùa vụ năm ngoái là mùa đầu tiên cho trái. Với diện tích 7 công cam, ông thu trên 15 tấn, cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Nhờ vậy, ông thu hồi toàn bộ vốn đầu tư của những năm trước.

Mùa vụ năm nay, năng suất vườn cam cao hơn và ông bắt đầu thu lãi. Đến thời điểm này, ông đã bán trên 20 tấn trái, cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Từ nay đến cuối vụ nghịch, vườn cam còn cho thu hoạch khoảng 10 tấn nữa. Ông ước tính năm nay, sau khi trừ hết chi phí, gia đình còn thu lãi trên 500 triệu đồng. Là nông dân nhà nòi, được cha mẹ cho gần 2 công đất nông nghiệp, tuy vậy, sau khi lập gia đình riêng, ông Đức lại tìm kế sinh nhai bằng nghề buôn bán chứ không phải nghề nông. Nghề buôn bán, mặc dù có nhiều thăng trầm nhưng nhờ tính toán hợp lý nên đã giúp gia đình ông vượt qua những chuỗi ngày khó khăn của cuộc sống và có dư tích lũy.

Trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao

Hơn 10 năm trước, sau khi dành dụm được số vốn kha khá, thấy nhiều người nuôi cá tra mau làm giàu, ông Đức cũng thuê ao nuôi cá. Tuy nhiên, do những khó khăn khó lường trước của nghề này, sau một thời gian nuôi, ông thất bại và bỏ nghề. Với bản tính của một người cần cù lao động, chí thú làm ăn, luôn nuôi ý chí làm giàu cho gia đình, ông Đức không ngại tốn kém nhiều chi phí và sự vất vả để tìm tòi những mô hình làm ăn mới, trong đó, mô hình trồng cam sành được ông đặc biệt quan tâm. Năm 2006, ông bắt đầu đến với nghề trồng cam. Dù xuất thân từ nông dân, nhưng ông Đức chưa từng biết đến nghề làm vườn bao giờ. Dầu vậy, khi thấy hiệu quả của cam sành trên vùng đất Tân Hội trong những năm qua, ông Đức đã có quyết tâm rất lớn và đã đạt đến thành công.

Thực tế sản xuất của bà con trong thời gian qua cho thấy, cam sành là loại cây có thể giúp thoát nghèo nhanh, nhưng đây cũng là cây có vốn đầu tư và trình độ thâm canh thuộc hàng khá cao. Ngoài ra, để canh tác thành công cam sành đòi hỏi người nông dân sự cần cù, chịu khó; phải chắt chiu theo dõi hàng ngày, không được lơ là. Nếu để cam bị bệnh hoặc dịch hại tấn công thì khó ứng phó kịp, dễ dẫn đến thất bại. Theo tính toán sơ bộ của nhiều nông dân, để thu được kết quả, mỗi công cam người nông dân phải đầu tư ít nhất 20 triệu đồng từ khi mới trồng đến khi thu hoạch mùa đầu tiên. Với tình hình dịch bệnh nguy hiểm và khó dự đoán như hiện nay, nếu người nông dân đầu tư không tới nơi tới chốn thì khó đem lại hiệu quả cao.

Như nhiều nông dân trồng cam khác, ông Đặng Hữu Đức nghĩ rằng nếu không dám bỏ ra một số tiền lớn thì sẽ không thể đạt được hiệu quả canh tác cao. Một khi đã nắm được kỹ thuật canh tác, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều nhà vườn trồng cam đi trước tại địa phương thì không có lý do gì mà ngại đầu tư. Với suy nghĩ như thế, ông Đức đã tự tin và mạnh dạn thuê đất trồng cam. Rõ ràng, sự suy nghĩ có tính toán kỹ lưỡng đã mang đến thành công. Sự thành công của ông Đức cũng góp phần mang đến cho vùng đất Tân Hội thêm một triệu phú trồng cam, một gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *