Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ là 3 xã trồng tiêu nhiều nhất trên đảo Phú Quốc, trong đó tập trung nhiều nhất là tại xã Cửa Dương với gần 300 ha. Thời điểm từ 2001 đến 2006, giá tiêu thế giới xuống, bà con trồng tiêu trên đảo gặp khó, diện tích trồng tiêu giảm hơn 3 lần. Từ hơn 1000 ha chỉ còn khoảng 300 ha.
Nhiều hộ dân gắng bó với nghề hồ tiêu mấy chục năm trời cũng ngậm ngùi chia tay chúng. Sau năm 2007, giá hồ tiêu tăng dần trở lại, nhiều người bắt đầu quay lại với cây trồng truyền thống này. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư trồng hồ tiêu trở lại. Nhiều người nhẫm tính, 1 ha tiêu phải trồng từ 2.500 đến 3.000 trụ, chi phí đầu tư ban đầu phải mất từ 300 đến 400 triệu đồng; mà với kỹ thuật canh tác truyền thống thì dù giá cả hiện nay có cao đi nữa cũng phải mất nhiều năm sau bà con mới thu hồi được vốn. Trước khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp cùng với bà con địa phương cùng nhau tìm giải pháp để gỡ rối cho cây hồ tiêu Phú Quốc. Chẳng hạn hướng dẫn bà con trồng tiêu theo phương pháp mới nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất, từng bước làm cho hạt tiêu Đảo Ngọc ngày càng sạch hơn.
Nhiều mô hình được chọn làm thí điểm đã cho thấy sự thành công bước đầu. Cụ thể như hộ của ông Đặng Văn Kháng ở xã Cửa Dương, gia đình ông gắng bó với nghề trồng tiêu gần 35 năm nay, từng trãi qua biết bao thăng trầm với nghề này, ông hiểu rất rõ, trồng tiêu bây giờ nên ứng dụng tiến bộ KHKT vào quá trình canh tác thì mới thành công, mới nhanh có lời.
Nhiều bà con cũng thật lòng chia sẻ, chỉ cần thay đổi biện pháp canh tác thì lợi ích tăng lên rất nhiều. Trước đây, trồng 01 nọc tiêu mãn năm thu nhiều lắm là 2,5kg, nay với phương pháp mới, chẳng những tiêu nhanh cho trái mà năng suất có thể tăng gần gấp đôi.
Song song với việc hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ KHKT trồng tiêu, ngành nông nghiệp còn triển khai thí điểm 4 mô hình tưới nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí nước tưới vốn rất đắt đỏ ở xứ đảo này. Tuy nhiên, khi vào thực tiễn sản xuất, nhiều hộ cũng có cách ứng dựng riêng để có phương pháp tưới ưu việt hơn. Như tại hộ của ông Kháng, ông đang thí điểm thêm mô hình tưới phun xòe, xem ra phương pháp này cũng đạt hiệu quả khá cao, được nhiều bà con áp dụng vì có chi phí nhẹ hơn hệ thống tưới nhỏ giọt rất nhiều.
Ngoài ra, nhằm để gia tăng lợi nhuận cho nông dân, nhà nước còn khuyến khích bà con trồng hồ tiêu kết hợp với khai thác du lịch. Nghĩa là, các vườn tiêu được trồng phải vừa mang tính kinh tế vừa mang tính thẩm mỹ để thu hút khách đến tham quan. Hiện đang có vài chục hộ trên đảo đang kết hợp làm điều này, xem ra lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm cho du khách cũng rất khá.
Riêng hộ của ông Kháng, hiện ông đang tiếp tục đầu tư mới trên 2.000 trụ cũng với mục đích trồng kết hợp với khai thác du lịch. Được biết, mỗi năm du khách đến Phú Quốc ngày càng đông và nhu cầu đến mua hồ tiêu trực tiếp tại các vườn tiêu cũng rất nhiều, do vậy mà sự đầu tư trồng tiêu có kết hợp với khai thác du lịch là hướng đi đúng đắn mang lại lợi nhuận thiết thực cho bà con.
Gần đây nhất, với sự phối hợp hỗ trợ của Trường Đại Học Cần Thơ, Sở Khoa học và công nghệ Kiên Giang, Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc và sự cam kết bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu DOMESCO đã đầu tư triển khai mô hình trồng tiêu theo chuẩn Global Gap tại xã Cửa Dương với diện tích 4ha. Theo dự kiến, nếu dự án này thành công sẽ mở rộng thêm diện tích gấp nhiều lần để bà con trên đảo có cơ hội phát triển cây trồng truyền thống của họ một cách bền vững hơn, khắc phục phần lớn những khó khăn mà người trồng tiêu đang gặp phải.
Vào tận những vườn tiêu trên huyện Đảo Phú Quốc hiện nay, sẽ dễ dàng bắt gặp rôm rả những câu chuyện của bà con khi nói về những nét mới của nghề trồng hồ tiêu ở đây. Nào là phương pháp canh tác cũng có nhiều đổi mới, nào là có hệ thống tưới phun xòe, hay tưới nhỏ giọt rất tiết kiệm, không còn cái cảnh gánh nước giếng tưới cực khổ như trước; hoặc những câu chuyện thú vị về những hộ trồng tiêu để bán cho du khách,…. Tất cả những câu huyện kể đó, đều đánh dấu sự phát triển đúng hướng và có hiệu quả của hồ tiêu Phú Quốc hôm nay.
Thúy Hằng