8/10, 9:16 am
Pho sách bất tận về động, thực vật Việt Nam
Sau gần 15 năm biên soạn, tổng số 35 tập sách về động thực vật chí đã được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) công bố.
Toàn bộ thông tin về hệ động thực vật trên cả nước đã được tập hợp lại trong bộ sách động, thực vật chí Việt Nam nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, quy hoạch, phát triển động, đảm bảo cân bằng sinh thái.
Công bố, nhưng không rộng rãi
Trong 35 tập Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam đã được NXB Khoa học – kỹ thuật xuất bản, thông tin về những loài động, thực vật phân bố ở Việt Nam được trình bày theo cách thức thống nhất gồm tên loài, tên tác giả phát hiện ra loài, từ đồng nghĩa, đồng danh, tên Việt Nam, tên tiếng Anh, mô tả, vật mẫu nghiên cứu đang được lưu trữ ở đâu, sinh học sinh thái, phân bố của loài (ở các tỉnh của Việt Nam và các nước trên thế giới), công dụng của loài nhằm phục vụ tốt nhất mục đích tra cứu, sử dụng.
TS. Lê Xuân Cảnh giới thiệu bộ sách về động vật chí (bìa xanh) thực vật chí (bìa đỏ). (Ảnh: Hồng Quân) |
"Một khối lượng lớn các dữ liệu cơ sở về tài nguyên sinh vật Việt Nam được hình thành, được tổng hợp và hệ thống lại", TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đánh giá về bộ sách động, thực vật chí Việt Nam.
Đến nay, thông tin về các taxon (loài, giống, họ, bộ) như phân bộ rắn, bộ cánh đều, mối, bộ ve giáp, cá biển, lớp chim, bộ bọ chét, mò đỏ, lớp thú, lớp chim, bộ dong mơ, họ rau dăm, họ lan… đã được hoàn thành và công bố. "Tuy nhiên, một số thông tin sẽ không được công bố rộng rãi nhằm tránh nguy cơ nhiều người vì lợi nhuận đã đổ xô đến khai thác làm cạn kiệt một số loài vì biết thông tin về địa điểm phân bố", TS Cảnh cho biết. Nguyên nhân của việc "công bố không rộng rãi" này xuất phát từ trường hợp các sinh vật học đã vô tư công khai tài liệu nơi phân bố của giống Lan hài rất quý hiếm. Biết được thông tin này, những người buôn bán đến thu mua, nên số lượng loài này đã vãn trước khi nhà nước kịp có quy hoạch.
Sẽ tiếp tục cập nhật bộ động, thực vật chí
Theo TS Cảnh, khó có thể đánh giá đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm khối lượng công việc vì các loài động, thực vật luôn biến động. Sẽ có 2 tập về động vật, 4 tập về thực vật được hoàn thành và công bố trong giai đoạn 2008 – 2010. Toàn bộ chương trình này sẽ được hoàn thiện tương đối vào năm 2020, nhưng sau đó sẽ được bổ sung thông tin định kỳ để phản ánh sự biến động của loài.
Theo TS Cảnh, khó có thể đánh giá đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm khối lượng công việc vì các loài động, thực vật luôn biến động. Sẽ có 2 tập về động vật, 4 tập về thực vật được hoàn thành và công bố trong giai đoạn 2008 – 2010. Toàn bộ chương trình này sẽ được hoàn thiện tương đối vào năm 2020, nhưng sau đó sẽ được bổ sung thông tin định kỳ để phản ánh sự biến động của loài.
Cầy hương là loài phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du của Việt Nam (Ảnh: Hồng Quân) |
Dù các nhà khoa học đã khổ công, song bộ động, thực vật chí của Việt Nam chỉ có tính chính xác tương đối. “Các nhà khoa học không thể đi hết các nơi. Ví dụ, đi điều tra hổ thì từ bắc tới nam chỗ nào cũng phải tới, rừng nào cũng đến tìm hiểu. Nhưng họ chỉ có thể mỗi năm khảo sát vài địa điểm, năm nay làm ở phía bắc, hàng chục năm sau mới làm ở phía nam nên số liệu về phía bắc lúc đó đã thay đổi”, TS. Cảnh nói.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chưa thống nhất hoàn toàn trong một số vấn đề chuyên môn, nên họ phải vừa làm vừa thảo luận. Ngay cả việc thống nhất tên gọi khoa học cho một loài cũng phải tổ chức cả một cuộc hội thảo. Việc mô tả tất cả các taxon không thể đảm bảo chính xác tuyệt đối vì trước đây các nhà khoa học phân loại theo đặc điểm hình thái của loài, giờ đây có thể dùng phương pháp xác định AND nên chính xác hơn. Ngoài ra, trong thời gian nghiên cứu, công bố thì các đặc điểm của taxon có thể thay đổi, đặc biệt là khu vực phân bố và số lượng.
Theo Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, bộ động thực vật chí của Việt Nam tuy là tài liệu cao nhất về hệ động, thực vật của Việt Nam, nhưng so với những bộ tài liệu động, thực vật chí của một số nước phát triển như Nga, Mỹ thì bộ tài liệu của Việt Nam mới chỉ là những thông tin cơ bản nhất. "Các nước phát triển trên thế giới như Nga, Mỹ đầu tư khá tốt nên đã hoàn thành bộ động, thực vật chí của họ. Những nước đang phát triển, nước nghèo hầu như chưa hoàn thành vì thiếu chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí", TS Cảnh nói.
Theo Đất Việt