Thung lũng Vezere nổi bật với các vách đá trải dài trên vùng cao nguyên thuộc miền Tây nước Pháp. Thoạt nhìn, chúng cũng giống như những vách đá vôi thông thường khác. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây là sự tồn tại của vô số các hang động với những bức vẽ vẫn còn nguyên màu bí ẩn.
Những hang động nằm sâu bên trong lòng đất. Trên vách hang có rất nhiều bức vẽ về các loài động vật, chủ yếu là gia súc được vẽ trên vách đá. Hơn nửa thế kỷ qua, Vezere nổi tiếng với cái tên “Những bức vẽ trong hang động Lascaux”. Các bức vẽ này ra đời cách đây đã 17 ngàn năm vào thời kỳ đồ đá cũ. Một nhóm bé trai đã tình cờ phát hiện ra hang động Lascaux vào năm 1940 khi đi tìm con chó của chúng đi lạc. Sau đó không lâu, hang động được mở cửa cho công chúng đến tham quan. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bức vẽ đã bị du khách làm cho hư hại. Vào năm 1972, chính quyền ra lệnh đóng cửa không cho du khách vào tham quan. Để duy trì, giữ gìn di tích hiếm có này, các hang động ở thung lũng Lascaux được đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.
Những người vẽ tranh thời ấy đã thể hiện rất rõ tài năng của họ qua các bức vẽ trên vách đá. Hình ảnh đôi chân trước giang rộng trên thềm đá của chú ngựa là một minh chứng cho việc sử dụng luật phối cảnh tạo cảm giác thật của họa sĩ thời ấy. Con ngựa đang trong tư thế phi nước đại. Một bức tranh khác vẽ bầy gia súc, nếu nhìn cận cảnh, chúng ta chỉ có thể nhìn thất duy nhất một con bò cái được vẽ màu đỏ. Tuy nhiên, phía sau nó là con bò đực có cặp sừng màu đen sắc nhọn. Và còn vô số lưng của những con bò cái làm nền cho phần hậu cảnh của bức tranh. Hình vẽ được thực hiện theo phương pháp sử dụng bề mặt đá không đồng dạng.
Tại sao lại xuất hiện các bức vẽ như thế? Nhiều người cho rằng đây là cách mà người xưa làm phép thuật để cầu một mùa săn bắn bội thu. Tiến sĩ Michel Lorblanchet, người theo đuổi công trình nghiên cứu các bức vẽ trong hang động đã sử dụng những loại vật liệu và kỹ thuật thời đó để tái hiện các bức vẽ. Qua các cuộc thử nghiệm kỹ thuật, ông đã nảy ra một ý tưởng tới. Giống như người sinh sống ở thời đồ đá cũ, ông vẽ tranh bằng cách phun bột than chì lên vách tường.
Tiến sĩ Lorblanchet cho rằng các bức vẽ nơi đây là sự kết hợp nối tâm linh của con người vào vách đá. Nhưng người sống vào thời đó đã nghĩ rằng vách đá là nơi chứa đựng quyền lực siêu nhiên. Quan niệm này của họ thể hiện qua hình ảnh những con vật truyền sức mạnh cho con người.
Các bức vẽ nơi đây cho thấy con người thời ấy luôn phát triển năng lực sáng tạo. Theo cách đó, con người đã tạo nên một thế giới hình ảnh phong phú và đa dạng. Các vách đá là minh chứng cho sự phát triển thông minh của loài người. Trên vách đá còn có cả hình ảnh con kỳ lân với cặp sừng mọc thẳng phía trước, một con vật chỉ tồn tại trong thần thoại của loài người.
Trong một hang động khác xuất hiện bức vẽ có tên gọi “Vị thần có sừng” với hình dạng nửa người nửa hươu. Người ta cho rằng vị thần này là sự khởi nguồn của các câu chuyện thần thoại.
Các bức vẽ trên vách đá đã chấm dứt cách đây 10 ngàn năm, khi mà con người bắt đầu nuôi trồng. Họ cho rằng lúc này họ đã tiến bộ và vượt trội hơn rất nhiều. Đó là lý do khiến nguồn năng lượng siêu nhiên ẩn giấu trong hang động bị lãng quên trong suốt một thời gian dài.
Thanh Tâm