Nghệ thuật múa rối dây ở Hợp Dương – Trung Quốc có thể được xem là một hình thức nghệ thuật rất độc đáo. Nó đã có mặt ở đây hơn 2000 năm qua và đã nổi tiếng khắp Trung Quốc qua nhiều vở diễn.
Nghệ thuật điều khiển rối bằng dây của Hợp Dương là một trong những thể loại múa rối cổ xưa nhất của Trung Quốc |
Theo các chuyên gia, nghệ thuật điều khiển rối bằng dây của Hợp Dương là một trong những thể loại múa rối cổ xưa nhất của Trung Quốc. Tiếng nhạc, lời ca, lời thoại, những thiết kế sân khấu đến cả sân khấu biểu diễn đều thật độc đáo. Tất cả khiến cho nghệ thuật múa rối dây trở thành một trong những điểm hấp dẫn nhất của Hợp Dương.
Trong các tài liệu, sách sử về tạp kỹ thời nhà Đường có ghi chép lại rằng, nghệ thuật múa rối dây đã được dùng để miêu tả những chiến công của Lưu Bang. Và đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ thời nhà Đường. Nghệ thuật múa rối dây đã rất phổ biến trong suốt thời nhà Đường. Tất cả các trang phục dùng trong múa rối đều được thiết kế phù hợp với thời đại đó. Kỹ năng điều khiển con rối được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vào cuối đời nhà Minh và trong suốt thế kỷ XVII, một nhà soạn kịch đã đề xướng nhiều đổi mới về kiểu mẫu của con rối, cải tiến giọng nói, lời văn và viết nhiều kịch bản cho các buổi biểu diễn. Nghệ thuật múa rối dây của Hợp Dương trở nên phổ biến trong thời điểm đó.
Trong nửa cuối thế kỷ XIX, ở Hợp Dương có hơn 70 đoàn múa rối dây, gần như mỗi làng đều có một đoàn rối riêng. Nhiều người ở Hợp Dương còn đặt tên cho các buổi biểu diễn rối là các màn biểu diễn dây.
Ở Hợp Dương có hơn 70 đoàn múa rối dây, gần như mỗi làng đều có một đoàn rối riêng |
Nếu không có các sợi dây, những con rối được làm bằng vải và cây quất sẽ trở thành một mớ hỗn độn. Một con rối điển hình phải là văn võ song toàn. Bàn tay nắm đấm thông thường sẽ cầm kiếm hay gậy để chiến đấu. Bàn tay văn chương được dùng để cầm ly rượu hay cầm quạt. Động tác chân của con rối cũng thật khéo léo và linh hoạt. Sự nhanh nhẹn và khéo léo của con rối sẽ tạo cho khán giả có cảm giác đang xem một người thật. Các động tác của con rối sẽ giúp khán giả cảm nhận được linh hồn của con rối hay nhân vật.
Phần khó nhất của nghệ thuật múa rối dây là điều khiển các sợi dây. Các sân khấu thường cao 1.2met và được che phủ bằng một tấm vải. Các diễn viên đứng trên một bệ nâng phía sau tấm vải và điều khiển con rối ở phía trước. Nghệ thuật điều khiển con rối dây có 8 kỹ thuật khác nhau: nhấc lên, kéo, móc, giật mạnh, xoay, chuyền, đu đưa và lắc giật. Nhờ các kỹ thuật này mà người diễn viên có thể giúp cho những nhân vật rối trở nên sống động.
Các sân khấu thường cao 1.2met và được che phủ bằng một tấm vải. Các diễn viên đứng trên một bệ nâng phía sau tấm vải và điều khiển con rối ở phía trước |
Số lượng dây trên mỗi con rối luôn khác nhau tùy thuộc vào tuyến nhân vật. Trước đây, mỗi con rối chỉ có 5 sợi dây, nhưng hiện nay là khoảng 30 sợi dây điều khiển. Nhân vật chính luôn có số dây nhiều nhất. Sợi dây điều khiển dài nhất là 3-4 met nên việc điều khiển con rối thật sự khó khăn. Trong suốt buổi biểu diễn, các diễn viên phải điều khiển từng động tác đi, chạy, nhảy, ngồi, cưỡi ngựa, chiến đấu, khoát tay áo, nhào lộn, đá chân của con rối cao 80-90cm, nặng 3.5-5 kg, thậm chí con rối còn thực hiện được nhiều động tác phức tạp khác. Những con rối như có linh hồn sống và thật sự sinh động.
Trước đây, mỗi con rối chỉ có 5 sợi dây, nhưng hiện nay là khoảng 30 sợi dây điều khiển |
Bài ca, lời hát trong nghệ thuật múa rối dây của Hợp Dương luôn hài hòa với âm nhạc. Nhịp điệu được tạo ra bằng cách sử dụng các nhạc cụ nhỏ bé như cồng chiêng. Lời ca êm ái luôn làm vui tai khán giả. Nhiều khán giả đến đây không chỉ để xem vở rối mà còn để thưởng thức âm nhạc. Kỹ thuật ca hát trong nghệ thuật múa rối dây Hợp Dương là lối hát xướng làng quê thời xưa với giọng hát truyền cảm, rõ ràng, dễ gần gũi. Cách hát của họ có thể truyền tải cảm xúc của vở tuồng nhưng không quá ủy mỵ, đa sầu. Đây là một trong những ưu điểm chính của nghệ thuật múa rối dây.
Nội dung và các câu chuyện được mang lên sân khấu thật đa dạng và phong phú. Vào năm 1961, Viện Văn hóa nghệ thuật Sơn Tây đã sưu tầm được hơn 200 vở rối và hầu hết được gìn giữ ở Viện Bảo tàng Nghệ thuật Sơn Tây. Các vở tuồng phổ biến nhất là Tây Du Ký, Điêu Thuyền, Lữ Bố, Dương Quý Phi… Những buổi biểu diễn đều được chọn lọc và chuẩn bị công phu, lời thoại đơn giản và sôi nổi, nội dung nhẹ nhàng, sinh động, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của con người. Vì vậy, các vở rối càng trở nên phổ biến hơn và khán giả không cảm thấy nhàm chán khi xem.
Các diễn viên phải điều khiển từng động tác đi, chạy, nhảy, ngồi, cưỡi ngựa, chiến đấu, khoát tay áo, nhào lộn, đá chân của con rối |
Hầu hết những con rối đều có trán rộng và gương măt dài. Nhân vật chính luôn có gương mặt tròn và môi mím chặt. Kỹ thuật chạm khắc trong việc tạo ra tính cách của con rối đòi hỏi phải chính xác và phù hợp. Đây là yêu cầu lớn nhất mà những nghệ nhân chạm khắc con rối luôn muốn đạt đến.
Trong những năm gần đây, nghệ thuật múa rối dây đã không còn thịnh hành và nghệ thuật múa rối đang đứng trước nhiều khó khăn do không có người nối nghiệp. Nhưng một số ít yêu mến múa rối dây vẫn nổ lực hết mình để hình thức nghệ thuật độc đáo, cổ xưa này tồn tại mãi và ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.
Hoa Nhi