Ngày nay, diện mạo thành phố cổ xưa Bắc Kinh đã có sự thay đổi rất lớn nhưng nơi đây vẫn bảo lưu bố cục cơ bản hơn 700 năm trước. Tử Cấm Thành cổ kính, nằm sừng sững ở trung tâm thành phố vơi gam màu chủ đạo đỏ và vàng, kết hợp với tứ hợp viện màu đen xám xung quanh hình thành một trật tự hài hòa. Nét truyền thống và hiện đại cùng đan xen tồn tại ở Bắc Kinh.
Hơn 700 năm trước, người Mông Cổ đã xây dựng thành Bắc Kinh với quy mô lớn và từ lúc đó, Bắc Kinh trở thành kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Thành Bắc Kinh sớm nhất ra đời vào 3000 năm trước.
Từ ngày đầu xây dựng, dường như Bắc Kinh được báo trước là kinh đô sóng gió trong lịch sử Trung Quốc. Các chuyên gia lịch sử cũng không thể thống kế chính xác có bao nhiêu cuộc chiến tranh xảy ra ở Bắc Kinh. Rất ít thành phố nào trên thế giới lại có hơn 20 tên gọi khác nhau giống như Bắc Kinh. Đây có lẽ là bức ảnh tả thực về số phận biến động của thành Bắc Kinh.
Năm 1214, người Mông Cổ tấn công thành Bắc Kinh. Theo truyền thống của họ, hoàng cung của kinh thành bị chinh phục sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Hoàng đế Mông Cổ – Hốt Tất Liệt đã quyết định xây dựng kinh đô của vương triều Nguyên ở Bắc Kinh, đồng thời xây dựng một kinh thành mới dựa theo quan niệm vũ trụ quan mà người Trung Quốc tôn sùng.
Kinh đô Đại Đô nhà Nguyên được khởi công vào năm 1267, công việc xây dựng kéo dài 18 năm. Kinh đô Đại Nguyên có dạng hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 10 km, xung quanh có tường thành bao bọc. Bên trái hoàng cung là Thái Miếu – nơi cúng tế tổ tiên hoàng đế. Bên phải là đền Xã Tắc – nơi cử hành các buổi lễ lớn và quan trọng của đất nước. Người bình thường sinh sống ở một khu vực được xây dựng phía sau hoàng cung.
Người Trung Quốc cổ đại cho rằng, thế giới giống như một bàn cờ lớn hình vuông, hoàng đế ngồi ở giữa, bố cục kinh thành cần thuận theo quy luật vũ trụ, phù hợp với phong thủy, giữa con người và tự nhiên cần đạt đến một sự cân bằng. Ngày nay, đến Bắc Kinh, chúng ta có thể tìm được một số di tích của kinh đô nhà Nguyên.
Lầu trống và lầu chuông là kiến trúc vô cùng quan trọng trong Nguyên Đại Đô. Nó gánh vác nhiệm vụ báo giờ cho toàn kinh đô. Khác với việc báo giờ bằng chuông lớn tại nhà thờ của người phương Tây, người Trung Quốc báo giờ bằng chuông và trống, sáng tinh mơ gõ chuông, buổi chiều tối chuyển sang đánh trống. Xây dựng lầu trống và lầu chuông trong trung tâm Đại Đô đã quyết định nhịp đập cuộc sống cho toàn bộ thành Bắc Kinh lúc bấy giờ. Khi tiếng chuông buổi sáng vang lên, mọi người rời khỏi nhà và bắt đầu các hoạt động. Tiếng trống buổi chiều vang lên là lúc mọi người kết thúc một ngày bôn ba trở về ngôi nhà thân yêu của mình.
Sau khi xây dựng Nguyên Đại Đô, nhân khẩu trong thành tăng hơn 1 triệu người. Đây là kinh đô lớn nhất trên thế giới vào thế kỷ XIII. Không chỉ phú lệ đường hoàng, nó còn là nơi tập trung của rất nhiều thương nhân. Sản vật khu vực Bắc Kinh lúc bấy giờ vô cùng phong phú. Con kênh Đại Vận Hà là con đường vận chuyển chủ yếu cho thành Bắc Kinh. Kênh Đại Vận Hà dài 1800 km, giống như một động mạch lớn nối liền Bắc Kinh với phương Nam Trung Quốc.
Hồng Mẫn