Tập quán ăn uống đã tạo ra những dụng cụ tương xứng. Đôi đũa là vật dụng tiện lợi trong các bữa ăn của mỗi gia đình người Nhật với thực phẩm chính là cơm, cá và rau. Họ đã hình thành nên một thế giới đũa phong phú.
Người Nhật cũng dùng đũa làm vật tượng trưng trong ngày lễ và làm quà tặng trong một số dịp đặc biệt |
Đũa được chia ra làm nhiều loại với nhiều kiểu dáng thích hợp cho từng mục đích sử dụng. Đôi đũa tre dài gọi là saibashi, dùng trong nhà bếp khi chế biến các món ăn nóng, chẳng hạn như món luộc hoặc món xào. Đũa Moribashi có đầu thon nhọn rất thích hợp để các đầu bếp sử dụng khi sắp xếp món ăn một cách thẩm mỹ tinh tế, chẳng hạn như món sashimi.
Ngoài tính năng là dụng cụ trong nhà bếp. Đũa còn hiện diện trong các nghi lễ. Đôi đũa Haramibashi có phần thân đũa phình to, hai đầu thon nhọn được dùng để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của con cháu.
Đũa Yanagibashi được sử dụng vào dịp mừng năm mới và một số ngày lễ khác. Đũa được làm từ thân cây liễu, một loại cây dẻo dai, khó bẻ gãy, trong ngày đó, người ta sử dụng đũa Yanagibashi làm vật cúng với hàm ý đề cao sự rắn chắc. Đũa có hai đầu thon nhỏ, theo quan niệm của người Nhật, một trong hai đầu đũa do thần thánh sử dụng, đầu còn lại dành cho con người. Đôi đũa thể hiện sự dung hòa giữa con người và thần thánh, đũa của sự sống.
Người Nhật cũng dùng đũa làm vật tượng trưng trong ngày lễ và làm quà tặng trong một số dịp đặc biệt.
Loại đũa được làm bằng bạc được sử dụng rất phổ biến tại Nhật. Cách đây khoảng 200 năm, chúng đã có mặt trên bàn ăn của các daimyo hay còn được gọi là lãnh chúa cai quản từng địa phương ở Nhật. Khi cần sử dụng, người ta chỉ việc phẩy nhẹ là có ngay một đôi đũa với kích thước bình thường. Đũa được thiết kế gọn nhẹ và có thể gấp lại rất thuận tiện để mang theo bên mình khi đi xa. Ngoài ra, chất liệu bằng bạc giúp chúng có được độ bền, sử dụng được lâu hơn.
Người Nhật có những quan niệm về đôi đũa và cách dùng đũa khác với người Trung Quốc và những nước châu Á khác. Trong gia đình, mỗi người có một đôi riêng. Đũa của khách sau khi dùng xong sẽ bỏ đi, điều này thể hiện cho sự tôn trọng và trong sạch. Khi đi dã ngoại, đũa sau khi dùng xong, họ sẽ bẻ đôi để tránh ma quỷ tận dụng nó làm điều xấu.
Thanh Tâm