Các nhà khoa học Argentina vừa cho biết họ đã phát hiện hóa thạch nòng nọc lâu đời nhất thế giới của một loài sống cùng thời với khủng long, có niên đại khoảng 161 triệu năm. Đây một phát hiện quan trọng trong lĩnh vực cổ sinh vật học, có thể giúp cho các nhá khoa học nghiên cứu sâu hơn về quá trình tiến hóa của ếch và cóc.
Các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch dài 16 cm với các mô trắng còn sót lại được cho là dây thần kinh, mắt mang của nòng nọc tại một trang trại ở tỉnh Santa Cruz, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 2.300 km về phía Nam. Mẫu vật hiếm hoi này được cho là thuộc về loài Notobatrachus degiustoi, tổ tiên của nhóm Anurans hiện đại bao gồm các loài ếch và cóc.
Dựa vào tình trạng bảo quản gần như còn nguyên vẹn của hóa thạch nòng nọc vừa được tìm thấy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng dạng sống của nòng nọc hầu như không thay đổi trong hơn 160 triệu năm qua. Họ cũng cho rằng mẫu vật này là cực kỳ hiếm, vì nòng nọc, với cơ thể mềm, rất ít có khả năng bị hóa thạch.
Nhà nghiên cứu Mariana Chuliver chia sẻ:
“Phát hiện này rất quan trọng vì nó cho chúng ta biết về tập tính ăn uống và cuộc sống của sinh vật này.” .
Quảng Đức