Ngày 21/10/2024, Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP16) đã khai mạc tại thành phố Cali của Colombia. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học với tốc độ nhanh chưa từng có. Do đó, COP16 được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới để giải quyết một trong những vấn đề cấp bách đang đe dọa hành tinh xanh.
COP16 diễn ra từ nay đến ngày 01/11 tới. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Colombia Gustavo Petro nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng nhằm đàm phán các bước tiếp theo trong việc thực hiện Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đạt được tại COP15 ở Canada hồi năm 2022. Thỏa thuận này bao gồm cam kết bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển được xem là khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học vào năm 2030.
“COP16 diễn ra vào thời điểm vô cùng quan trọng để các nước chuyển trọng tâm từ đặt mục tiêu sang hành động thực tiễn.”
Trong bài phát biểu qua video gửi đến COP16, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước đầu tư đáng kể vào Quỹ khung đa dạng sinh học Toàn cầu (GBFF), được thành lập vào năm 2023 để giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học. Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh việc hủy hoại thiên nhiên sẽ làm gia tăng xung đột về tài nguyên, nạn đói và bệnh tật, gây ra nghèo đói và làm giảm GDP của các nước.
“Tình trạng mất đa dạng sinh học có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất hàng ngàn tỷ đô-la Mỹ mỗi năm, trong đó những người nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”

Cop16 với mục tiêu ngăn suy giảm đa dạng sinh học

Báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng thế giới đang phải trải qua tổn thất lớn nhất kể từ thời khủng long, với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Còn theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), số lượng động vật hoang dã toàn cầu đã giảm trung bình 73% trong 50 năm qua.
“Nguyên nhân của sự sụt giảm đa dạng sinh học chủ yếu là do hoạt động của con người, môi trường sống của các loài động thực vật vị thu hẹp, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.”
Rừng Amazon, vốn chiếm hơn 10% đa dạng sinh học của Trái đất đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Việc mở rộng diện tích canh tác, cháy rừng và hạn hán đã đẩy nhiều loài động thực vật đến bờ vực tuyệt chủng. Một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rừng Amazon đã mất 12,5% diện tích che phủ thực vật trong giai đoạn 1985-2023.
Với khẩu hiệu “Hòa bình với thiên nhiên”, COP16 được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho những giải pháp cụ thể nhằm đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên.

Dương Tuyển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *