Các hội chứng đại sản khoa như tiền sản giật, nhau bong non, sinh non, thai chậm tăng trưởng… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thai phụ và thai nhi.
Thống kê cho thấy mỗi năm thế giới có khoảng một triệu trẻ tử vong do sinh non và các biến chứng liên quan, 500.000 thai nhi và 70.000 thai phụ tử vong do tiền sản giật. Đây là thông tin được chia sẻ trong Chương trình tư vấn trực tuyến “Tầm soát và dự phòng các hội chứng đại sản khoa – Tiền sản giật, nhau bong non, sinh non, thai chậm tăng trưởng và thai lưu” được phát sóng vào tối 9/10 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tại đây.
Các chuyên gia tham gia chương trình (từ trái qua): BS.CKII Huỳnh Kim Khoe, TS.BS Nguyễn Hoàng Long và ThS.BS Hà Tố Nguyên
ThS.BS Hà Tố Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, hội chứng đại sản khoa (the great obstetrical syndromes) là cụm từ được các nhà khoa học trên thế giới sử dụng để nghiên cứu cơ chế hoạt động của bánh nhau, tìm nguyên nhân gây ra các biến chứng sản khoa như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tiền sản giật, vỡ ối non, sinh non… Từ đó, họ đưa ra phương án sàng lọc, dự phòng các bệnh lý nguy hiểm, hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Siêu âm là phương tiện quan trọng giúp bác sĩ khảo sát, phát hiện sớm những bất thường thai giúp dự phòng, can thiệp kịp thời. Chẳng hạn, siêu âm đo độ mờ da gáy tầm soát hội chứng Down, đo Doppler động mạch tử cung sàng lọc tiền sản giật, đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non…
Bác sĩ Nguyên khuyến nghị phụ nữ nên đi khám thai sau khi chậm kinh nguyệt khoảng hai tuần và thử que có hai vạch. Siêu âm sớm xác định tuổi thai, vị trí túi thai. Nếu túi thai không nằm trong buồng tử cung mà làm tổ bên ngoài có nguy cơ bị vỡ, gây xuất huyết trong ổ bụng, đe dọa tính mạng người mẹ. Trường hợp thai phụ có tiền căn mổ lấy thai cũng nên siêu âm sớm (khoảng 7 tuần) vì có thể gặp tình trạng thai bám sẹo, một dạng thai ngoài tử cung phải có hướng xử trí riêng.
“Phụ nữ mang thai cần tuân thủ lịch khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ, trong đó có 4 mốc siêu âm quan trọng bao gồm tuần thai 12, 22, 32 và 36. Đây là những thời điểm khám thai cần thiết đối với một thai kỳ diễn tiến thuận lợi. Tùy vào sức khỏe mẹ và bé, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm và siêu âm theo dõi sát hơn để dự phòng các biến chứng sản khoa”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
ThS.BS Hà Tố Nguyên siêu âm sàng lọc, dự phòng hội chứng đại sản khoa cho thai phụ tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Phó giám đốc Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, PKĐK Tâm Anh quận 7, tiền sản giật là một trong những hội chứng đại sản khoa thường gặp ở thai kỳ, chiếm khoảng 5% số ca mang thai. Bệnh có thể khiến thai phụ bị tổn thương thận, tim, gan, thần kinh… thai nhi nguy cơ bị chết lưu hoặc sinh non với nhiều biến chứng nguy hiểm. Tiền sản giật còn ảnh hưởng đến thai kỳ tiếp theo, làm tăng khả năng mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý chuyển hóa… ở người mẹ sau này.
Hiện Bộ Y tế khuyến cáo hai phương pháp sàng lọc tiền sản giật. Thứ nhất là dựa trên các yếu tố nguy cơ của mẹ bầu như béo phì, trên 35 tuổi, tiền sử tiền sản giật ở lần mang thai trước hoặc gia đình có người thân từng bị tiền sản giật… Bác sĩ Long cho biết, khai thác thông tin nền của thai phụ có ưu điểm tiện lợi nhưng độ chính xác không cao, chỉ phát hiện khoảng 40% trường hợp mắc bệnh.
Phương pháp thứ hai là kết hợp các thông tin trên với chỉ số protein PLGF trong máu mẹ, huyết áp trung bình, doppler động mạch tử cung trên siêu âm… Phương thức này có thể phát hiện 70-80% thai phụ nguy cơ cao bị tiền sản giật. Từ đó, bác sĩ đưa ra kế hoạch dự phòng aspirin, kết hợp thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống, vận động phù hợp… với thai phụ giúp giảm nguy cơ tiền sản giật.
TS.BS Nguyễn Hoàng Long tư vấn các phương pháp sàng lọc, dự phòng hội chứng đại sản khoa cho thai phụ
Cùng quan điểm, BS.CKII Huỳnh Kim Khoe, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, PKĐK Tâm Anh quận 7, cho biết bệnh thận là một trong những yếu tố chính gây tiền sản giật. Người bệnh thận mạn mang thai cần được quản lý thai kỳ chặt chẽ. Bác sĩ Khoe dẫn chứng một thai phụ từng được ghép thận đã sinh con khỏe mạnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gần đây. Đó là chị Nhi, 41 tuổi, sau khi bác sĩ theo dõi, đánh giá thận ghép hoạt động ổn định, đáp ứng phác đồ thuốc, chị được cho phép có con. Trong quá trình mang thai, êkíp bác sĩ Nội thận, Tim mạch và Sản khoa theo dõi sát tình hình sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đầu tháng 9, con gái chị Nhi chào đời, nặng 3,42 kg. Mẹ được chuyển đến khoa Nội thận – Lọc máu để theo dõi chức năng thận ghép. Sau 5 ngày, chị Nhi mới được gặp con và xuất viện. Chị tiếp tục tái khám định kỳ hàng tháng để theo dõi chức năng thận.
BS.CKII Huỳnh Kim Khoe thăm khám, tư vấn cho thai phụ về các mốc khám thai quan trọng trong thai kỳ
Bên cạnh tiền sản giật, sinh non cũng là biến chứng sản khoa nguy hiểm, xảy ra ở 85-90% thai phụ không có tiền căn bệnh. Trẻ sinh non có thể bị suy hô hấp do chức năng phổi chưa trưởng thành, nhiễm trùng huyết, viêm phổi do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện…
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non, trong đó 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh.
Bác sĩ Khoe cho biết, cổ tử cung ngắn là một trong những nguyên nhân gây biến chứng này. Siêu âm đầu dò ngả âm đạo ở tuần 18-24 đo chiều dài cổ tử cung có thể tầm soát sinh non. Nếu mẹ bầu có tiền sử sinh non, cần đo chỉ số này ở tuần thai 14-16, và theo dõi sát hơn để kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu bất thường.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thai phụ có cổ tử cung ngắn, bác sĩ sẽ chỉ định khâu vòng eo cổ tử cung sau khi siêu âm kết hợp khám lâm sàng. Ví dụ, trường hợp mẹ bầu có cơn co tử cung, bác sĩ điều trị ổn định tình trạng này mới tiến hành khâu vòng, sau đó tiếp tục điều trị giảm cơn co. Điều này giúp hạn chế nguy cơ sinh non.
Lo lắng về tình trạng sinh non, khán giả Thanh Tâm gửi câu hỏi về chương trình. Chị đang mang thai 36 tuần 2 ngày, có hiện tượng đau bụng, dọa sinh non, siêu âm chẩn đoán em bé nặng 2,7 kg. Bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc giảm co. Chị Tâm băn khoăn nên điều trị hay chờ sinh.
Bác sĩ Khoe giải đáp, có thể dừng điều trị dọa sinh non sau 34,5 tuần, tiếp tục theo dõi và chờ chuyển dạ tự nhiên. Như trường hợp chị Tâm, thai nhi 36 tuần có thể sống, dù cân nặng chưa đủ. Tuy nhiên, thai phụ nên sinh tự nhiên qua ngả âm đạo, không nên mổ khi tuổi thai chưa trưởng thành, vì nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe em bé.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến, nhiều khán giả cũng đặt câu hỏi về vấn đề thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long giải thích đây là tình trạng cân nặng của thai nhỏ hơn so với tuổi thai. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến thai chậm tăng trưởng, bao gồm rối loạn chức năng bánh nhau, bất thường di truyền, nhiễm trùng bào thai.
Hiện chưa có phương thức nào giúp sàng lọc, dự phòng và điều trị bất thường này. Thai chậm tăng trưởng có nguy cơ tử vong trong tử cung hoặc sau sinh. Tùy tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, bác sĩ có thể đưa ra phương án xử trí phù hợp.
Bác sĩ Nguyên cho biết, nhiễm CMV là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp, khiến bào thai chậm tăng trưởng. Ngoài dấu hiệu này, siêu âm còn có thể phát hiện các bất thường như bánh nhau dày, giãn não thất, bất thường cấu trúc vỏ não, nốt vôi hóa trong não, gan… Nếu tiên lượng khả quan, thai phụ được theo dõi và tư vấn biện pháp điều trị, đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Nếu tổn thương lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ, tâm thần vận động của trẻ sau sinh, bác sĩ có thể cân nhắc kết thúc thai kỳ.
Do đó, bác sĩ Nguyên khuyến nghị các thai phụ cần khám thai đúng lịch, tầm soát các bất thường thai tại các cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các hội chứng đại sản khoa như tiền sản giật, nhau bong non, sinh non, thai chậm tăng trưởng… đảm bảo sức khỏe cho thai phụ và thai nhi.
Ngọc Châu