Nhiều trẻ sinh non biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, hạ thân nhiệt, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng… đe dọa tính mạng nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Cứ 10 cháu bé chào đời lại có một bé sinh non. Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ dưới 5 tuổi. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ chào đời non tháng và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.
Thông tin được TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ tại chương trình tư vấn: “Phòng ngừa & điều trị hiệu quả biến chứng nguy hiểm ở trẻ sinh non, cực non”, phát trên Đài truyền hình Vĩnh Long ngày 11/9.
TS.BS Cam Ngọc Phượng tư vấn tại đầu cầu TP.HCM.
Theo bác sĩ Phượng, trẻ sinh non có nguy cơ tử vong cao nhất là trong tuần đầu sau sinh. Nếu vượt qua khoảng thời gian này, bé dễ mắc tổn thương thần kinh như bại não, chậm phát triển hoặc suy giảm trí tuệ, mù hoặc điếc. Để bảo vệ não trẻ, bác sĩ truyền magnesium sulfate cho thai phụ tiên lượng sẽ chuyển dạ sinh trong vòng 24 giờ hoặc mẹ có chỉ định mổ lấy thai sớm trước 32 tuần.
Trẻ sinh non phổi chưa kịp trưởng thành, bác sĩ sản chỉ định tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi để có thể đáp ứng cuộc sống ngoài tử cung. Bé chào đời được cấp cứu khẩn trong 60 phút đầu như kẹp rốn muộn, bọc trẻ trong túi nilon giữ ấm ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng ngừa nhiễm khuẩn. Trẻ được hỗ trợ hô hấp bằng kỹ thuật không xâm lấn (thở CPAP).
Nếu không được can thiệp, biến chứng đầu tiên khi lọt lòng đối với trẻ sinh non, cực non là hạ thân nhiệt. Lớp mỡ dưới da của các bé quá mỏng, không đủ dự trữ, ngay cả trong nhiệt độ bình thường. Trẻ chào đời sớm, phổi chưa hoàn thiện, đường thở các bé sinh non bị thiếu chất làm giãn nở phế nang phổi nên phổi trẻ dễ bị xẹp, thở mệt, thở yếu, nhiều bé tím, suy hô hấp. Do hệ thống đường ruột của trẻ còn non, chưa thể dung nạp sữa, những ngày đầu cần được nuôi ăn bằng dinh dưỡng, dịch truyền. Và biến chứng nguy hiểm nhất hay gặp ở trẻ sinh cực non là dễ bị nhiễm khuẩn, do sức đề kháng còn non yếu, kháng thể trong người không đủ, lớp da mỏng, dễ tổn thương, nên bé dễ bị nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Bác sĩ Xuân (phải) và bác sĩ Vân (trái) tư vấn trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, để hạn chế các biến chứng nguy hiểm do sinh non, tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, 100% ca sinh có bác sĩ sản, sơ sinh đồng hành. Hệ thống lồng ấp kèm oxy được trang bị tận phòng sinh để xử lý kịp thời. Bé chào đời sẽ được can thiệp ngay trên bụng mẹ, không xảy ra biến chứng hạ thân nhiệt, hỗ trợ thở oxy phòng nguy cơ suy hô hấp, sau đó chuyển về nuôi dưỡng tại Trung tâm sơ sinh.
100% ca sinh tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh có bác sĩ sơ sinh cùng thiết bị can thiệp hiện đại, cấp cứu trẻ sinh non.
Bé được nuôi trong lồng ấp, thở máy không xâm lấn, kiểm soát độ ẩm, bác sĩ nuôi ăn bằng kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho bé.
Theo các chuyên gia từ BVĐK Tâm Anh, trước đây trẻ chào đời phải thở máy xâm lấn kéo dài, bác sĩ đặt một ống nối từ miệng đến đường thở trong khí quản bé. Thở máy kéo dài sẽ có nhiều biến chứng nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm phổi mạn, bé có thể lệ thuộc máy thở vĩnh viễn. Tại bệnh viện Tâm Anh, bác sĩ áp dụng phương pháp thở không xâm lấn, tức vẫn sử dụng hệ thống cung cấp oxy, nhưng chỉ qua một dụng cụ đặt ở mũi, không lấn sâu vào đường thở. Phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả cho điều trị suy hô hấp ở trẻ sinh non.
Trẻ sinh non từ 25-26 tuần, ngoài việc cơ thể yếu ớt, các bé có thời gian nằm viện điều trị kéo dài 2-3 tháng, nếu không kiểm soát tốt dễ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Trẻ sinh non tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh được chăm sóc với thiết bị hiện đại.
Nếu trẻ sinh non nặng trên 1,5 kg, bị nhiễm khuẩn khả năng cứu sống cao, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 3,5%. Nếu trẻ dưới 1,5 kg thì khả năng tử vong tăng gấp 10 lần, tức khoảng 35%. Lúc này, điều trị sẽ khó khăn hơn. Trẻ nhiễm khuẩn huyết có khoảng 30-40% không chỉ đơn thuần nhiễm khuẩn trong máu, vi khuẩn còn xâm nhập vào màng não, gây viêm màng não – biến chứng cực nặng nề, kéo dài thời gian điều trị. Nếu chỉ nhiễm khuẩn huyết, thời gian điều trị kháng sinh rơi vào 14 ngày, viêm màng não có thể lên đến 21-28 ngày, nhiều trẻ không đủ sức vượt qua.
“Chúng tôi có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo bé không bị lây nhiễm chéo, từ đó giảm biến chứng nặng, tử vong”, ThS.BS Nguyễn Thu Vân – Phó khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết.
Em bé sinh non cũng sẽ có nguy cơ vàng da cao hơn những bé chào đời đủ tháng. Các bé sẽ cần được điều trị chiếu đèn, kèm xét nghiệm tầm soát tìm nguyên nhân gây vàng da, loại trừ nguyên nhân do bệnh lý. Các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá xem nguyên nhân vàng da như: suy giáp trạng, gan, mật, rối loạn chuyển hóa…
Để giảm nguy cơ sinh non, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước mang thai cần khám sức khỏe, điều trị bệnh nền ổn định, tiêm đủ vaccine dự phòng bệnh truyền nhiễm. Khi mang thai cần khám thai đầy đủ, bác sĩ đánh giá yếu tố nguy cơ sinh non từ có can thiệp giảm biến chứng nặng.
Tuệ Diễm