Vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, giúp đảm bảo sức khỏe, năng suất lao động, học tập người lao động, du học sinh, người đi du lịch. Các vắc xin được khuyến cáo gồm cúm, phế cầu, não mô cầu, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella…
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong hơn 10 năm gần đây, khách du lịch và du học sinh trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ các bệnh dịch nguy hiểm như dịch Covid-19, Ebola, tả, cúm, thương hàn, sốt vàng…
Các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo tiêm ngừa phòng các bệnh đã có vắc xin là cách chủ động bảo vệ sức khỏe, đảm bảo năng suất lao động cũng như quá trình học tập, du lịch được thuận lợi.
Để độc giả hiểu rõ các tác nhân gây bệnh và các vắc xin cần thiết khi du lịch, du học, lao động, các chuyên đầu ngành truyền nhiễm đã trực tiếp tư vấn trong buổi livestream diễn ra tối 27/8 với chủ đề: “Vắc xin quan trọng cần tiêm cho người đi du lịch, du học và công nhân trong các khu công nghiệp”.
Chương trình tư vấn trực tuyến tối 27/8 chủ đề “Vắc xin quan trọng cần tiêm cho người đi du lịch, du học và công nhân trong các khu công nghiệp”.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: BS Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; chị Lý Thùy Thanh Mai, Quản lý CSKH, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây.
Mở đầu chương trình, bác sĩ Huỳnh Trần An Khương cho biết có nhiều nguyên nhân khiến người lao động, du lịch, du học dễ mắc bệnh, cần chú trọng việc tiêm ngừa.
Với người lao động, làm việc tập trung đông người ở nhà máy, xí nghiệp là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh hô hấp phát triển và dễ lây lan nếu có một người mắc bệnh. Cụ thể như thủy đậu, một người bệnh có thể lây cho 8-12 người chưa có miễn dịch; sởi có thể lây cho 12-18 người, nhanh hơn cả cúm và Covid-19. Chưa kể, các bệnh như thủy đậu, sởi bắt đầu lây nhiễm trước cả khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng điển hình. Bên cạnh đó, môi trường có thể tiếp xúc nhiều khói bụi, chất hóa học cũng khiến người lao động suy giảm chức năng hô hấp, khó tống xuất mầm bệnh ra khỏi cơ thể.
Với người đi du lịch, du học, thay đổi môi trường, thói quen sinh hoạt, ăn uống đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi cơ thể chưa kịp thích nghi. Hiện nhiều vùng trên thế giới đang lưu hành các bệnh khác nhau như sốt vàng ở châu Phi, tả và thương hàn ở Ấn Độ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới cũng đang báo động về tình hình gia tăng số ca mắc sởi, ho gà, Covid-19 trở lại. Việc di chuyển đến những nơi này khi chưa có “áo giáp” bảo vệ bằng vắc xin rất nguy hiểm.
BS Huỳnh Trần An Khương tại buổi tư vấn tối 27/8.
Trong khi đó, theo bác sĩ Khương, các bệnh truyền nhiễm đều có khả năng dẫn đến các bệnh cảnh nặng. Như cúm, người khỏe mạnh có thể tự khỏi sau 4-7 ngày nhưng các thể trạng yếu, cao tuổi, suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não. Thủy đậu thường được gọi là “bệnh của trẻ con” nhưng người lớn mắc bệnh lại có nguy cơ cao hơn dẫn đến viêm phổi, viêm thận, nhiễm trùng huyết… chưa kể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Sởi có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não, liệt, viêm kết mạc, giác mạc dẫn đến loét gây mù lòa. Các ca bệnh bạch hầu từ đầu năm đến nay được ghi nhận tại nước ta cũng tập trung ở nhóm thanh thiếu niên, người trưởng thành, phụ nữ mang thai… Tả gây mất nước, rối loạn điện giải; thương hàn gây viêm dạ dày ruột cấp, thủng ruột và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo tại buổi tư vấn tối 27/8.
Để chuẩn bị hành trang sức khỏe, tránh việc mắc bệnh cũng như lây nhiễm cho người thân, cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo lưu ý người lao động, du lịch, du học cần chú ý tiêm ngừa 3 nhóm các mầm bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, qua muỗi đốt. Cụ thể các vắc xin bảo vệ đường hô hấp gồm cúm, phế cầu, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bạch hầu, ho gà, não mô cầu. Các vắc xin bảo vệ đường tiêu hóa gồm tả, thương hàn. Các vắc xin bảo vệ trước bệnh lây qua đường muỗi đốt gồm sốt vàng, viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, người lao động, du học đang ở độ tuổi sinh sản, cần bảo trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng vắc xin viêm gan B, HPV.
Ngoài ra, người du học, du lịch nên tham khảo thêm các khuyến cáo hiện hành tại các nước thông qua các kênh truyền thông của đại sứ quán để cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như các vắc xin cần chủ động phòng ngừa.
Trước các thắc mắc của khán giả về thời gian tiêm ngừa phù hợp, bác sĩ Đạo chia sẻ: “Mũi tiêm hiệu quả nhất là mũi tiêm sớm nhất. Việc chần chừ trong tiêm phòng có thể khiến bản thân bỏ qua cơ hội phòng bệnh”.
Chị Lý Thùy Thanh Mai tại buổi tư vấn tối 27/8.
Chị Lý Thùy Thanh Mai cho biết thêm với nhu cầu tiêm ngừa khi du lịch, du học, khách hàng có thể đến các trung tâm VNVC gần nhà để được các bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi tay nghề tư vấn các loại vắc xin cần tiêm cũng như phác đồ tiêm phù hợp với lịch trình sắp tới của từng khách hàng.
Các khách hàng là chủ doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tiêm ngừa, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ công nhân viên có thể liên hệ ngay với VNVC để được tư vấn các mũi tiêm với giá ưu đãi khi đăng ký số lượng lớn đi kèm với nhiều hình thức thanh toán phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nhật Linh