Hành khách 1: Nguyễn Văn Ngọc, ấp 6, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Trong những hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực phấn đấu thoát nghèo mà chương trình CXNA đã gặp gỡ tại xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi không thể nào quên hình ảnh của anh Nguyễn Văn Ngọc ngụ ấp 6 – người thanh niên khuyết tật đôi tay vẫn cặm cụi hàng giờ bên công việc đan lục bình gia công. Từng có một gia đình ấm êm và tương lai rộng mở phía trước, nhưng tất cả chỉ còn là kí ức với anh Ngọc từ khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm lúc vợ chồng anh đang làm thuê ở Bình Dương.
Ngày nhìn thấy con trai thui thủi dắt cháu nội trở về quê, người đàn ông chưa từng lùi bước trước cơ cực cuộc đời như ông Xem cũng không cầm lòng được mà rơi nước mắt. Ông hiểu rằng con trai mình rồi đây cũng sẽ là gà trống nuôi con giống như ông, nhưng sẽ gian nan hơn nữa vì không còn cơ thể lành lặn, và đứa cháu gái đáng thương của ông thì lại còn quá nhỏ…
Từ ngày sức khoẻ ông Xem giảm sút, anh Ngọc là lao động chính trong nhà, chăm lo cho cha già và đứa con gái đang học lớp 4. Cháu Thu Hiền ngày một lớn khôn thì nỗi xót xa trong lòng anh Ngọc cũng ngày một nhiều thêm vì thương con gái thiếu bàn tay mẹ chăm sóc. Và dẫu biết chỉ là mơ ước xa xôi khó thành hiện thực nhưng người cha này vẫn mong một ngày gia đình mình lại đủ đầy 4 thành viên…
Với những người chỉ hy vọng vươn lên bằng sức lao động như anh Ngọc thì có lẽ mất đi đôi tay là dường như mất đi tất cả. Thế nhưng, không đầu hàng trước nghịch cảnh, anh Ngọc tự mài mò học nghề đan lục bình từ bà con trong xóm. Những ngày đầu vất vả biết bao khi tay anh không thể cầm nắm và đánh dây lục bình lên xuống nhịp nhàng. Nhưng vì cha già, con thơ, không có gian nan nào có thể khiến cho người đàn ông này dễ dàng bỏ cuộc…
Dẫu cố gắng không kể ngày đêm nhưng với số tiền ít ỏi đó, anh Ngọc làm sao đủ xoay sở cho cả gia đình. Lúc này đây, một công việc vừa phù hợp sức khỏe vừa tạo ra thu nhập ổn định có lẽ là ước mơ lớn nhất của
lúc này.
Hành khách 2: Nguyễn Thị Hồng, ấp 5, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Cùng hoàn cảnh khuyết tật trụ cột gia đình còn có chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp 5, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp – người phụ nữ khập khiễng đôi chân do sốt bại liệt lúc nhỏ. Sau 40 năm sống trong mặc cảm khiếm khuyết, chị Hồng đã gặp được người đàn ông cùng cảnh ngộ với mình và quyết định cùng nhau về chung tổ ấm. Chưa một lần biết đến niềm hạnh phúc được làm mẹ, vậy mà 1 tháng trước, chồng chị Hồng đã qua đời, để lại người vợ đáng thương với nỗi hụt hẫng không gì bù đắp được.
Những tưởng tuổi già sẽ yên lòng hơn khi thấy con gái có nơi nương tựa. Nhưng trước tình cảnh ngang trái này, ông Ảnh bà Phượng – cha mẹ chị Hồng – lại càng xót xa hơn. Căn bệnh tai biến khiến bà Phượng phải gắn bó với chiếc võng gần 10 năm nay vì không còn đi đứng được. Điều bà có thể làm và cố gắng làm mỗi ngày là động viên chị Hồng vực dậy tinh thần để tiếp tục cuộc sống, dẫu trong lòng bà là ngổn ngang những âu lo cho đứa con gái đáng thương của mình.
Còn ông Ảnh – người cha già hơn 70 tuổi – vẫn ngày ngày bươn chải với chiếc xuồng nhỏ, đi giăng lưới hay vớt ve chai, còn sức khỏe ngày nào thì ông vẫn sẽ cố gắng đỡ đần cho con ngày nấy.
Có lẽ, giữa những thiệt thòi và mất mát đời mình, chị Hồng vẫn cảm thấy được an ủi phần nào vì còn có cha mẹ bên cạnh, là nguồn động lực để chị hướng tới những điều tốt đẹp hơn ở phía trước…
Với chiếc xe lắc được mạnh thường quân hỗ trợ làm phương tiện mưu sinh, người phụ nữ này vẫn miệt mài rong ruổi khắp nơi, đôi chân khập khiễng cũng lần bước tới những đoạn đường xa hơn, cố gắng bán hết xấp vé số trên tay để có thêm thu nhập trang trải gia đình.
Cùng ước mơ chăn nuôi và buôn bán mong cải thiện cuộc sống tương lai, chị Hồng
và anh Ngọc đều đặt hết niềm tin vào 2 người thi hỗ trợ, quyết tâm giúp sức cho những người trụ cột khuyết tật có phương sinh kế ổn định để tiếp tục chèo chống gia đình cập bến an cư lạc nghiệp!
Hồng Ngân