Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 2 tỷ hecta đất trên thế giới đã bị suy thoái do hạn hán, bão cát và những hoạt động kinh tế không bền vững của con người. Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, Ngày Môi trường Thế giới (05/6) năm nay truyền đi thông điệp kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa.

Ảnh minh họa

Với vai trò là nước chủ nhà tổ chức Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Ả-rập Xê-út đã đạt được nhiều thành công trong nỗ lực xanh hóa sa mạc và khôi phục đất đai tại quốc gia có diện tích sa mạc rộng lớn này.

Một trong những nỗ lực xanh hóa sa mạc đáng chú ý tại Ả-rập Xê-út là dự án cải tạo Vườn Quốc gia Thadiq rộng 600km2 ở phía Bắc thủ đô Riyadh. Dự án đã trồng thêm 250.000 cây xanh và 1 triệu cây bụi có khả năng chịu hạn và ngăn bão cát tại khu vực.

“Chúng tôi không thể phát triển bền vững nếu không tìm cách trồng cây gây rừng, bảo vệ sự màu mỡ của đất.”

Với 3/4 đất canh tác đã bị thoái hóa và 60% dân số đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, Ả-rập Xê-út từ lâu xem việc phục hồi đất và chống sa mạc hóa là ưu tiên hàng đầu. Nước này đặt mục tiêu chuyển 30% đất đai thành khu bảo tồn thiên nhiên và trồng thêm 10 tỷ cây xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ả-rập Xê-út hiện đã phục hồi thành công 15% diện tích đất khô cằn ở những vùng trọng điểm, giúp phủ xanh sa mạc và bảo vệ đến 60% các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cùng với việc trồng cây, Ả-rập Xê-út cũng tăng cường các hồ chứa nước mưa.

“Mục tiêu của chúng tôi là trồng thêm 400 triệu cây xanh vào năm 2030 và ưu tiên áp dụng công nghệ trong nông nghiệp để phát triển bền vững.”

Ả-rập Xê-út đang tích cực phối hợp với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Liên Hiệp Quốc để triển khai Sáng kiến đất đai toàn cầu G20, với mục tiêu giảm bớt 50% tình trạng suy thoái đất đai vào năm 2040. Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Liên Hiệp Quốc cho rằng mô hình giải pháp chống sa mạc hóa của Ả-rập Xê-út đáng được tham khảo nhân rộng trên thế giới.

“Sáng kiến Xanh của Ả-rập Xê-út cho thấy tiềm năng của việc áp dụng nền tảng văn hóa và sự hiểu biết truyền thống vào nỗ lực quản lý môi trường tự nhiên. Các cách tiếp cận này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với khu vực bị suy thoái đất đai và sa mạc hóa nghiêm trọng như Ả-rập Xê-út.”/.

Thuận Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *