Bạt nhựa là loại vật liệu dùng phổ biến trong nông nghiệp, song lại tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa.
Tại Australia, giới chức nước này vừa cấp phép chứng nhận cho một loại bạt nhựa sinh học đầu tiên có khả năng tự phân hủy trong môi trường tự nhiên, giúp giảm rác thải nhựa của ngành nông nghiệp.
Theo hãng công nghệ BioBag World Australia có trụ sở tại ngoại ô thành phố Adelaide, sản phẩm bạt nhựa sinh học BioAgri do họ phát triển được làm bằng nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, kết hợp với một số loại polymer tổng hợp có khả năng tự phân hủy.
Khi sử dụng, BioAgri có công dụng tương tự như các loại bạt nhựa thông thường hiện nay. Khi kết thúc mùa vụ, nông dân chỉ cần cày xới đất để xé nhỏ tấm BioAgri và vùi chúng trong đất. Các mảnh vụn BioAgri sẽ dần phân hủy trong đất.
Bạt nhựa sinh học đầu tiên có thể tự phân hủy
Bạt nhựa thường được dùng để phủ lên mặt luống cây trồng, giúp hạn chế sâu bệnh và dịch hại cho cây, đồng thời giữ độ ẩm cho đất và tiết kiệm nước tưới. Hiện nay mỗi năm, ngành nông nghiệp Australia sử dụng hơn 200 ngàn kilomet bạt nhựa, tạo ra một lượng rác thải nhựa rất lớn.
Hãng công nghệ BioBag World Australia cho biết, họ đang nỗ lực hạ giá thành bạt nhựa sinh học BioAgri để giúp sản phẩm này cạnh tranh hiệu quả hơn trước các loại bạt nhựa phổ thông hiện nay.
Đức Tài