20 giờ ngày 16/11, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Tìm hiểu chức năng bàng quang và bệnh liên quan”. Chương trình cung cấp thông tin về chức năng của bàng quang, các triệu chứng, phương pháp điều trị, phòng ngừa các bệnh của bàng quang như bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh, viêm bàng quang kẽ, ung thư bàng quang… Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ đến từ Trung Tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Tìm hiểu chức năng bàng quang và bệnh liên quan”.
- TTƯT. PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM kiêm Chủ tịch Danh dự Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cũng là Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA) 2023 vừa diễn ra tại Việt Nam. TTƯT. PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành phẫu thuật nội soi tiết niệu Việt Nam. Với hơn 40 năm cống hiến cho ngành Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, hàng triệu người mắc bệnh về thận, tiết niệu đã được ông điều trị khỏi. Bên cạnh đó, ông cũng đào tạo chuyên môn cho rất nhiều bác sĩ tiết niệu thận học và nam khoa cho Việt Nam cũng như các nước.
- ThS BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Hội viên Hội Tiết niệu Mỹ, Hội viên Hội Nội soi Tiết niệu Thế giới, Hội viên Hội Tiết niệu và Thận học Việt Nam.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ThS. BS Nguyễn Tân Cương được đông đảo bệnh nhân hết lòng tin tưởng để gửi gắm những vấn đề “khó nói” của mình, đặc biệt các bệnh liên quan đến bàng quang, như ung thư bàng quang, bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh, sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…
- TS BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ Lê Phúc Liên là một trong số ít các bác sĩ nữ theo đuổi ngành ngoại tiết niệu – thận, nhất là niệu nữ ở Việt Nam. Trước nay, “lãnh địa” ngoại khoa này được mặc định ngầm chỉ dành cho bác sĩ nam, bởi áp lực đặc thù của ngành phẫu thuật.
Với mong muốn tháo gỡ rào cản ngại ngần của phụ nữ khi đi khám tiết niệu, giúp họ tìm lại tự tin trong cuộc sống, bác sĩ Liên đang nỗ lực xây dựng Đơn vị Niệu nữ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – trở thành nơi chăm sóc sức khỏe tiết niệu nữ giới toàn diện và hàng đầu tại Việt Nam.
Bệnh bàng quang và các triệu chứng thường gặp
Theo TTƯT. PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bàng quang hay bọng đái là cơ quan rỗng, khối cơ rỗng nằm sau xương mu. Bình thường lúc bàng quang xẹp nằm hoàn toàn sau xương mu. Khi bàng quang chứa nước, to lên thì trồi ra khỏi xương mu. Cá biệt có những trường hợp bàng quang tích nước quá nhiều sẽ to tới rốn. Rốn là mức giới hạn cao nhất của bàng quang khi căng.
Trong hệ tiết niệu, cơ quan bài tiết nước tiểu là thận. Bàng quang có vai trò tích tụ nước tiểu (chứa đựng) và đến thời điểm thích hợp sẽ thải (tống xuất) ra ngoài mà không thải nước tiểu liên tục, thường xuyên. Đặc biệt, bàng quang luôn giữ áp lực trong bàng quang ở mức thấp, để cơ thể không thấy khó chịu, căng tức và buồn đi tiểu ngay khi vừa uống nước. Chỉ khi bàng quang căng đầy đến mức muốn đi tiểu thì bàng quang mới tăng áp lực để xả nước tiểu ra ngoài.
TTƯT. PGS. TS. BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, chia sẻ kiến thức về vị trí, chức năng của bàng quang và giải đáp thắc mắc của khán giả.
Các bệnh ở bàng quang thường liên quan đến 2 chức năng chính của bàng quang là chứa đựng và tống xuất nước tiểu. Thường gặp nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang. Một số bệnh ở niêm mạc bàng quang như ung thư bàng quang, thần kinh bàng quang, hoặc bàng quang có những thay đổi co bóp bất thường, tăng/giảm trương lực của cơ bàng quang. Có trường hợp người bệnh tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần cả đêm và ngày nhưng không phải do các bệnh khác, được gọi là bàng quang tăng hoạt. Ngoài ra, còn tình trạng sỏi trong bàng quang, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa cho biết.
Các triệu chứng bệnh của bàng quang thường liên quan đến việc đi tiểu. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Như triệu chứng đường tiểu dưới gồm đi tiểu nhiều lần (trên 7 lần ban ngày và 1 lần ban đêm), tiểu gấp (không thể trì hoãn nhịn tiểu được), són tiểu (nước tiểu tự động chảy ra ngoài và không kiềm chế được).
Ngoài ra, những triệu chứng do nguyên nhân tắc nghẽn của đường tiểu (hẹp ống dẫn tiểu, phì đại tiền liệt tuyến chèn ép ống dẫn nước tiểu…) thì người bệnh thường sẽ thấy tia nước tiểu chậm, yếu, hoặc phải rặn mới ra nước tiểu, tiểu xong có cảm giác còn nước tiểu ở trong bàng quang, tiểu nhiều lần.
Triệu chứng tiểu ra máu có thể là dấu hiệu ung thư bàng quang hoặc viêm bàng quang xuất huyết. Nếu người bệnh có biểu hiện co thắt quá mức của cơ bàng quang sẽ gây tình trạng tiểu gấp, són tiểu. Người bị bệnh bàng quang thần kinh, khi cơ bàng quang không co bóp được sẽ có triệu chứng tiểu khó, nước tiểu còn sót và bí tiểu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa thông tin về triệu chứng và các bệnh bàng quang thường gặp.
Hiện nay, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. HCM, ngoài đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm còn có đủ các phương tiện để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh của bàng quang. Tùy theo nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, các bệnh phức tạp như ung thư bàng quang, bàng quang thần kinh, viêm bàng quang kẽ cần có kế hoạch điều trị dài hơi. Đồng thời cần theo dõi điều trị sát mới có thể điều trị khỏi, Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên thông tin.
Phụ nữ Việt ngại đi khám bệnh đường tiểu
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, chia sẻ có một thực trạng là người Việt Nam, nhất là phụ nữ thường hay e ngại khi đi khám các bệnh về tiết niệu, trong đó có bàng quang. Trong gần 20 năm làm nghề, chị đã gặp nhiều trường hợp người bệnh đến khám khi bệnh đã rất nặng, họ phải chịu đựng các triệu chứng trong thời gian dài, có khi hàng chục năm. Thậm chí có bệnh nhân nữ “mất hết tuổi thanh xuân” khi không dám ra khỏi nhà, không đi du lịch, thậm chí phải nghỉ việc vì triệu chứng tiểu quá nhiều lần, són tiểu của bệnh bàng quang tăng hoạt.
Theo bác sĩ Liên, nguyên nhân khiến phụ nữ Việt Nam ngại đi khám là bởi tình trạng tiểu không kiểm soát (són tiểu khi hắt hơi, cười lớn), tiểu nhiều lần rất phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi. Nhiều bệnh nhân chia sẻ họ thấy bà, mẹ của mình cũng bị như vậy nên nghĩ đó là đương nhiên.
Bên cạnh đó, người Việt Nam có 1 thói quen nói chung là hay tự điều trị hoặc nghe người quen truyền tai, tự mua thuốc về sử dụng thay vì đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng. Nhiều người bệnh đã gặp phải biến chứng nặng nề khi bệnh không được điều trị đúng và gặp tác dụng phụ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa giải đáp thắc mắc của khán thính giả về các bệnh ở bàng quang
Để bàng quang hoạt động tốt, Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên khuyến cáo người dân uống nước đầy đủ với công thức nước cần uống là lấy cân nặng nhân với 40. Ví dụ một người nặng 50 kg cần uống 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần tập các thói quen đi tiểu mỗi 2-3 giờ để bàng quan không bị căng quá mức, cũng tránh đi tiểu lắt nhắt nhiều lần khi bàng quang chưa đầy.
“Người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình, đi khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có các dấu hiệu bất thường để được điều trị tốt nhất”, Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên nói.
Gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã cung cấp những thông tin, giải đáp thắc mắc và chỉ ra những lưu ý trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ở bàng quang. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY
Hoàng Liên Sơn