Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chiến lược “kiềng 3 chân” (điều trị toàn diện vô sinh nữ, vô sinh nam, phòng labo nuôi phôi cao cấp) và các chiến lược gom trứng, gom phôi, phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp nhất với tình trạng giúp hàng nghìn vợ chồng vô sinh có con “chính chủ” mà không phải xin trứng hoặc tinh trùng.
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong Chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Cần chuẩn bị những gì trước khi làm IVF, IUI?” được phát sóng vào tối 8/11 vừa qua.
Các chuyên gia trong chương trình
Theo BS.CKII Vũ Nhật Khang, trong điều trị vô sinh hiếm muộn có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng thành công, gồm: Tuổi tác của người vợ; tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng; trang thiết bị cũng như tay nghề của đội ngũ chuyên gia tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản mà những vợ chồng vô sinh lựa chọn điều trị.
Độ tuổi của người vợ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng. Với những phụ nữ trẻ tuổi, số lượng trứng nhiều và chất lượng tốt hơn giúp tỷ lệ thành công cao hơn. Càng lớn tuổi, số lượng trứng càng ít và chất lượng kém khiến phụ nữ giảm cơ hội có con.
Ở yếu tố tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng, các bệnh lý về lạc nội mạc tử cung, nội mạc tử cung mỏng, bệnh lý khiến tinh trùng dị dạng hoặc yếu thì có thể làm giảm tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm.
Ngoài ra, trang thiết bị của Trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện đại, cập nhật những công nghệ mới và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng góp phần rất lớn trong nâng cao tỷ lệ thành công.
Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCMC) tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công lên đến 68,5%. Đó là kết quả rất đáng tự hào. IVFTA-HCMC được đầu tư trang thiết bị hiện đại, sở hữu phòng labo nuôi cấy phôi cao cấp nhất hiện nay đạt tiêu chuẩn ISO5, trình độ kỹ thuật, tay nghề của đội ngũ bác sĩ và chuyên gia phôi học giàu kinh nghiệm.
Đặc biệt IVFTA-HCMC ứng dụng nhiều chiến lược hiện đại như “kiềng 3 chân” điều trị toàn diện vô sinh nữ, vô sinh nam, lab hiện đại; và các chiến lược điều trị cá thể hóa, gom trứng, gom phôi đã giúp vợ chồng vô sinh sớm có con, nhất là những trường hợp khó như lớn tuổi, dự trữ buồng trứng thấp, chồng không có tinh trùng kèm theo nhiều bệnh lý phức tạp vẫn có con “chính chủ” mà không phải xin trứng hoặc tinh trùng từ người khác.
BS.CKII Vũ Nhật Khang tư vấn trực tiếp cho khán giả trong chương trình
ThS.BS Lê Đăng Khoa – Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm IVFTA-HCMC cho hay, trước đây, khi một cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, người ta thường nghĩ nguyên nhân đến từ người vợ. Lĩnh vực vô sinh nam cũng ít được quan tâm. Hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản khác phát triển đơn lẻ và chủ yếu là vô sinh nữ. Trên thực tế, tỷ lệ trường hợp vô sinh nam tương đương với vô sinh nữ, mỗi giới chiếm khoảng 40%, 10% đến từ cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
IVFTA-HCMC là Trung tâm Hỗ trợ sinh sản có hướng đi đặc biệt khi chọn phát triển toàn diện “kiềng 3 chân” với điều trị vô sinh nam, vô sinh nữ và phòng lab nuôi cấy phôi đều đóng vai trò quan trọng. Khám toàn diện sức khỏe nam và nữ giúp bác sĩ có được góc nhìn đa chiều và tổng quát nguyên nhân, đề ra phương pháp điều trị tối ưu hóa với từng cặp vợ chồng bởi mỗi vợ chồng có các bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Điều trị cá thể hóa phù hợp nhất với trình trạng bệnh cụ thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
“Trước đây, tôi từng gặp nhiều trường hợp loay hoay 5 đến 7 năm, thậm chí 13 năm trời để điều trị cho người nam có tinh trùng, lúc đó người vợ đã cao tuổi, không còn trứng. Hiện IVFTA-HCMC, từ khi đi vào hoạt động đã phát triển chiến lược “kiềng 3 chân”. Chúng tôi xem các chân bằng nhau và điều trị toàn diện cho vợ chồng bệnh nhân theo phác đồ cá thể hóa phù hợp nhất, giúp họ sớm có con”, ThS.BS Lê Đăng Khoa nói.
Bác sĩ Khoa chia sẻ thêm, những chiến lược hiện đại khác như vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng song song cùng chọc hút trứng từ người vợ nhằm thụ tinh từ tinh trùng và trứng tươi, hoặc người chồng được vi phẫu tìm tinh trùng trước sau đó trữ đông bảo tồn sinh sản chờ quá trình kích thích và chọc hút trứng, hay gom trứng, gom phôi được ứng dụng một cách linh hoạt phù hợp với từng vợ chồng cụ thể. Nhờ đó, các bác sĩ và bệnh nhân không gặp phải những tình huống bị động, giảm phát sinh các chi phí, giúp vợ chồng vô sinh sớm có con với chi phí hợp lý.
ThS.BS Lê Đăng Khoa tại chương trình
Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, riêng trong chiến lược gom trứng tại IVFTA-HCMC đã giúp nhiều phụ nữ suy giảm dự trữ buồng trứng (AMH thấp) tăng cơ hội có con bằng trứng tự thân mà không phải xin trứng.
Bình thường mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng và chọc hút trứng ở phụ nữ có thể thu được 10-15 trứng trưởng thành. Số lượng trứng này vừa đủ cho một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm và nuôi cấy thành công nhiều phôi, số cơ hội chuyển phôi nhiều giúp khả năng có thai tích lũy tăng lên. Ở những phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp, số lượng trứng còn lại trong hai buồng trứng rất ít, khả năng chỉ chọc hút được 2-3 trứng, nếu vội vàng tạo phôi khả năng số lượng phôi thu được rất ít, thậm chí phôi nuôi lên được giai đoạn phôi nang ở ngày 5 càng thấp hơn. Nếu chuyển phôi thất bại, bệnh nhân thực hiện lại chu kỳ IVF từ đầu khiến chi phí tăng cao bởi chi phí một lần nuôi cấy phôi rất tốn kém.
Do đó chiến lược gom trứng thường được áp dụng với bệnh nhân dự trữ buồng trứng thấp, giúp bệnh nhân được gom trứng nhiều chu kỳ với mục tiêu là thu được ít nhất 7 trứng trưởng thành để tạo phôi. Trường hợp bệnh nhân chỉ thu được 2-3 trứng sau đó cạn kiệt buồng trứng hoàn toàn, với công nghệ nuôi phôi hiện đại chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức giúp bệnh nhân có được một phôi ngày 5 loại tốt. Bác sĩ canh niêm mạc tử cung để chuyển phôi giúp bệnh nhân đậu thai và sinh con khỏe mạnh.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú chia sẻ trong chương trình
“Không phải trung tâm hỗ trợ sinh sản nào cũng tự tin áp dụng được chiến lược gom trứng. Bởi việc gom trứng đòi hỏi kỹ thuật trữ và rã trứng phải chắc tay từ phía chuyên gia phòng lab. Chỉ những trung tâm nào có các chuyên viên phôi học giàu kinh nghiệm, làm chủ được các kỹ thuật trữ trứng, rã trứng tối ưu mới có thể khai thác được những lợi ích từ chiến lược này. Hiện tại trên thế giới kỹ thuật trữ rã trứng được áp dụng rộng rãi nhất là kỹ thuật thủy tinh hóa. Đây cũng là kỹ thuật đang được áp dụng tại IVFTA-HCMC. Với kỹ thuật này có thể cải thiện được tỷ lệ trứng sống sau rã và tỷ lệ nuôi cấy phôi thành công từ trứng trữ tương đương với trứng tươi, lên đến 97%”, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú nhấn mạnh.
Hoài Thương