Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Chính vì thế, việc tái chế các sản phẩm thời trang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường. Có truyền thống tái chế gần 200 năm, thành phố Prato của Italia được xem là “thủ phủ” tái chế đồ may mặc của thế giới, khi có đến hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Hơn thế, Prato còn đang hướng đến phát triển bền vững với việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang.
Nằm ở khu vực Đông Bắc của Italia, thành phố Prato tự hào là một cái nôi của ngành dệt may có từ thời Trung cổ và đặc biệt hơn_ đây còn là một trung tâm tái chế vải sợi hoạt động từ giữa thế kỷ 19 đến nay. Dù là một đô thị nhỏ chỉ với 200 ngàn dân, song Prato hiện có tới 7.000 công ty lớn nhỏ hoạt động trong ngành may mặc và khoảng 150 đơn vị trong số đó tham gia tái chế quần áo thời trang đã qua sử dụng.
Công ty Comistra của gia đình chị Alice Tesi là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động tái chế tại thành phố Prato và có tới 4 thế hệ làm kinh doanh trong lĩnh vực này.
“Ở chỗ công ty của tôi có khoảng 60% quần áo cũ được tái sử dụng, khoảng 35% được tái chế và 5% còn lại sẽ được tiêu hủy. Chúng tôi phân loại quần áo cũ để xem những thứ nào sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế.”
Công ty Comistra tái chế quần áo cũ không phải để làm nguyên liệu thô cho những ngành khác, mà cung cấp trở lại cho chính ngành dệt may. Sản phẩm tái chế của họ là những sợi vải thô được đóng gói và cung cấp cho các công ty đối tác. Chúng sẽ tiếp tục được sản xuất ra các sản phẩm thời trang mới để sống thêm ít nhất một vòng đời nữa. Theo Comistra, đây là cách để ngành dệt may thấy có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra các sản phẩm thời trang.
“Khi tạo ra một sản phẩm may mặc, chúng ta nên nghĩ đến vòng đời về sau của nó. Làm sao để nó có thể được tái sử dụng hoặc dễ dàng được tái chế. Đó là mô hình mà chúng tôi gọi là nền kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang.”
Mỗi năm một người châu Âu tiêu thụ khoảng 26 kilôgam vải vóc, quần áo mới và hầu hết trong số đó bị vứt ra các bãi rác qua một thời gian sử dụng. Trong khi đó, trên thế giới, chỉ có 1% quần áo đã qua sử dụng được tái chế. Điều đó cho thấy vai trò của các công ty tái chế đồ may mặc ở Prato là rất quan trọng. Đây có thể được xem là một hình mẫu về tái chế cho nhiều thành phố khác ở châu Âu.
Quốc Trung