Ngay từ thời cổ đại, con người đã biết sử dụng năng lượng gió để phục vụ cho cuộc sống. Asbad – hệ thống cối xay gió tại thị trấn Nashtifan thuộc tỉnh Razavi Khorasan (Iran) là một minh chứng sống động cho điều này. Đặc biệt, sau hơn 1.000 năm ra đời, hệ thống này đến nay vẫn còn hoạt động..


Mỗi năm, thị trấn Nashtifan phải hứng chịu những cơn gió mạnh trong suốt 4 tháng với sức gió trung bình 120km/h. Để tận dụng sức gió, người Ba Tư thời xưa đã sáng tạo ra những chiếc cối xay khổng lồ hoạt động bằng sức gió để giúp họ xay ngũ cốc. Đây cũng là những chiếc cối xay bằng sức gió lâu đời nhất thế giới.
Ra đời vào khoảng năm 500-900 sau Công nguyên, hệ thống cối xay gió này cao từ 15-20 mét, được làm từ đất sét, rơm và gỗ. Chúng có trục thẳng đứng, với kết cầu gồm đường hầm, cối giã, thùng chứa, và cánh quạt (từ 6 đến 12 cánh quạt hình chữ nhật).
Để xay ngũ cốc, người ta chuyển ngũ cốc lên phía trên rồi đổ xuống cối giã. Gió đi qua các khe hở của nan quạt sẽ làm xoay trục và quay cối giã. Như thế ngũ cốc được xay thành bột và rơi xuống thùng chứa.
Các “kiến trúc sư” cổ đại đã xây dựng hệ thống cối xay cực kỳ thông minh để biến những cơn gió dữ dội thành năng lượng thay thế sức lao động của con người trên vùng sa mạc khô cằn. Ngoài ra, để sử dụng tối ưu sức gió, tất cả các cối xay đều được tập trung ở vị trí cao nhất của khu vực, biến hệ thống này thành một “nhà máy” trải dài cả km. Như vậy, ngoài tác dụng xay ngũ cốc, hệ thống cối xay gió này còn đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ ngôi làng trước các trận cuồng phong.

“Điều làm cho những chiếc cối xay gió cổ ở Nashtifan trở nên độc đáo chính là chúng vẫn còn hoạt động đến ngày nay.”
Năm 2002, những chiếc cối xay gió Asbad đã được công nhận là di sản quốc gia. Kể từ đó, hệ thống cối xay gió tại thị trấn Nashtifan đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *