Nội soi tiêu hóa là phương pháp tiên tiến giúp phát hiện và điều trị nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có ung thư giai đoạn sớm.

Nhiều chuyên gia tiêu hóa và kiểm soát nhiễm khuẩn tham gia tư vấn trong chương trình.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về ưu điểm vượt trội của phương pháp nội soi ống mềm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa, quy trình khử khuẩn ống soi không lây nhiễm, tối ngày 06/6/2023, Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Nội soi tiêu hóa không đau, không lây nhiễm”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: TTƯT.BS.TS Vũ Trường Khanh, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Khương, TS.BS Trần Thanh Bình, BS.CKII Hồ Thị Bích Thủy.

Trong 120 phút diễn ra chương trình đã có hàng ngàn người theo dõi cũng như hàng trăm câu hỏi được gửi tới các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Nội soi tiêu hóa phát hiện và điều trị ung thư sớm

Phương pháp nội soi tiêu hóa ống mềm với đầu soi gắn camera luồn từ miệng hoặc hậu môn giúp bác sĩ phát hiện tổn thương như viêm, loét, polyp… và đưa ra chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, phương pháp này còn giúp hỗ trợ can thiệp điều trị một số vấn đề tiêu hóa như lấy dị vật, cầm máu, cắt polyp, nong hẹp, đặt stent… Trong trường hợp khối u dưới niêm mạc không lộ rõ tổn thương, bác sĩ sẽ sử dụng nội soi siêu âm để quan sát hình ảnh chuyên biệt trong ống tiêu hóa, nhất là các vị trí khó tiếp cận như tuyến tụy.

Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, công nghệ nội soi ống mềm với dải tần hẹp NBI, BLI tiên tiến của Nhật Bản với ánh sáng có bước sóng lớn, hình ảnh phóng đại, độ phân giải 4K giúp bác sĩ phân tích những biến đổi cấu trúc bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa và đặc điểm hình thái của mạng lưới vi mạch rõ nét, từ đó phát hiện tổn thương phức tạp, kích thước nhỏ trong ống tiêu hóa như polyp, khối u; các vùng mô bất thường như viêm loét, chảy máu… hoặc khối u khi còn khu trú dưới lớp niêm mạc.

TTƯT.BS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, ngoài giúp phát hiện và chẩn đoán sớm những tổn thương nhỏ, nội soi có thể điều trị ung thư giai đoạn sớm hiệu quả. Thông qua nội soi, bác sĩ cắt hớt hoặc cắt tách lớp niêm mạc khối ung thư sớm, lấy mẫu tìm kiếm vi khuẩn H.P và sinh thiết tế bào học. Người bệnh không phải trải qua một cuộc phẫu thuật xâm lấn, giúp bảo tồn cấu trúc giải phẫu cơ quan tiêu hóa, rút ngắn thời gian hồi phục. Đây là những phương pháp hiện đại đã được ứng dụng phổ biến tại các quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

BS.TS Vũ Trường Khanh tư vấn các phương pháp điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa qua nội soi.

Nội soi không đau

TS.BS Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nội soi tiêu hóa gồm 2 dạng: nội soi thường và nội soi không đau. Trong đó, nội soi thường là phương pháp nội soi không gây mê. Người bệnh được nội soi trong trạng thái tỉnh táo, có thể theo dõi được toàn bộ quá trình nội soi. Do đó, dễ bị ám ảnh bởi cảm giác đau tức cổ họng (nội soi trên) hoặc đau tức bụng, hậu môn (nội soi dưới), nôn ói, khó chịu.

Nội soi không đau là phương pháp có gây mê hoặc tiền mê trước khi luồn ống nội soi vào đường tiêu hóa. Người bệnh được gây mê sẽ tránh được cảm giác đau, buồn nôn, khó chịu. Bác sĩ có thời gian quan sát, thực hiện thủ thuật cần thiết như sinh thiết hoặc can thiệp điều trị. Thuốc gây mê được sử dụng có mức độ nhẹ, tác dụng nhanh và ngắn, người bệnh sau khi soi sẽ tỉnh lại sớm, không ảnh hưởng tới sức khỏe hay trí nhớ.

TS.BS Trần Thanh Bình chia sẻ những ưu điểm vượt trội của phương pháp nội soi có gây mê

Giải đáp thắc mắc của khán giả về việc nội soi cho bệnh nhân là trẻ em, người béo phì, BS Trần Thanh Bình cho biết những người thuộc các nhóm đối tượng này thường nhạy cảm với vùng hầu họng. Người bệnh thường phản ứng mạnh với nội soi thông thường, gây khó khăn cho cuộc soi. Lựa chọn phương pháp nội soi gây mê giúp cuộc nội soi diễn ra nhẹ nhàng, an toàn, chính xác và mang lại hiệu quả cao.

Tư vấn về việc nội soi cho phụ nữ mang thai, BS.CKII Hồ Thị Bích Thủy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đây là nhóm đối tượng đặc biệt, chỉ có chỉ định nội soi khi thật sự cần thiết như: xuất huyết tiêu hóa đang tiến triển, tổn thương thực quản không thể ăn uống, u đại tràng cần thiết phải can thiệp, viêm tụy cấp hoặc nhiễm trùng đường mật do sỏi.

BS.CKII Hồ Thị Bích Thủy tư vấn về các trường hợp chống chỉ định nội soi cho phụ nữ mang thai.

Kiểm soát nhiễm khuẩn phòng tránh lây nhiễm chéo qua nội soi

Ống soi được sử dụng chung cho nhiều người bệnh. Vì thế, quá trình làm sạch, khử khuẩn và bảo quản ống soi nếu không đảm bảo sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo nhiều bệnh tiêu hóa. ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Khương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội cho hay, trong hệ thống tiêu hóa có hàng trăm tỷ vi sinh vật như nấm, ký sinh trùng, virus, vi khuẩn; trong đó có khoảng 500 loài với 85% là vi khuẩn có lợi và 15% là vi khuẩn có hại (vi khuẩn H.P, trực khuẩn lao, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, thương hàn, virus viêm gan B, C…). Những vi sinh vật này có thể lây qua trung gian máy nội soi. Lúc này, người bệnh buộc phải tăng số ngày nằm viện, tăng gánh nặng chi phí và gây khó khăn trong điều trị, dễ gặp các biến chứng nguy hiểm và tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Tình trạng lây nhiễm qua nội soi chủ yếu do các quy trình làm sạch và khử khuẩn không đúng quy trình, không kiểm tra rò rỉ sau mỗi lần thực hiện nội soi, thời gian ngâm khử khuẩn không đủ tiêu chuẩn. Điều này này xảy ra phụ thuộc vào nhận thức của người làm sạch, khử khuẩn dụng cụ cũng như sự giám sát của đơn vị thực hiện.

Tại Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được đặt lên hàng đầu với sự đầu tư bài bản về nhân sự, thiết bị máy móc hiện đại và quy trình kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Nhân viên y tế tại Bệnh viện được đào tạo bài bản về kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện và triển khai đúng quy trình để người bệnh không lây nhiễm các bệnh trong quá trình nội soi. Bệnh viện đầu tư hệ thống máy rửa và khử khuẩn ống soi của công ty Olympus Nhật Bản, tủ bảo quản ống soi Hanlim Hàn Quốc có thể lưu giữ máy nội soi sạch và an toàn trong 72 giờ.

Sau khi sử dụng dây soi, nhân viên y tế làm sạch theo quy trình một chiều: xử lý tại chỗ, kiểm tra rò rỉ của dây soi sau mỗi lần soi để đảm bảo dây soi không bị thủng, làm sạch bằng dung dịch enzyme chuyên dụng, khử khuẩn tự động trong hệ thống máy rửa với hóa chất diệt khuẩn và công nghệ rửa siêu âm trong thời gian lập trình mặc định là 21 phút, giúp đảm bảo việc khử trùng tuyệt đối an toàn. Sau khi dây soi được khử khuẩn an toàn sẽ được bảo quản trong tủ có hệ thống sấy và tiệt khuẩn tự động bằng tia UV. Các bước trong chu kỳ này được thực hiện lần lượt. Nhân viên y tế không thể bỏ qua bất kỳ bước quan trọng nào hoặc tự ý rút ngắn quy trình, giúp giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân được soi tiếp theo.

ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Khương chia sẻ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt các ống dây nội soi

Các chuyên gia nhận định, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ tăng khả năng chữa khỏi bệnh, mà còn giảm chi phí điều trị, chóng phục hồi đối với bệnh lý tiêu hóa lành tính và kéo dài sự sống đối với bệnh nhân ung thư. Người bệnh nên phối hợp tuân thủ theo đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ, nội soi tái khám định kỳ theo chỉ định để đạt hiệu quả điều trị. Ngoài ra, có nhiều bệnh lý gây ra các triệu chứng tương tự nhau, để chẩn đoán cần có sự thăm khám kỹ lưỡng về lâm sàng, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định kiểm tra nội soi khi cần thiết.

                                                                                                                                                                          Trịnh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *