Bài 2: Tổng tuyển cử 1976 – Trọn vẹn niềm vui “nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”
21/05/202130 năm sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, vào ngày 25-4-1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 được diễn ra trên phạm vi cả nước, một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong niềm vui chung Bắc – Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải, hơn 23 triệu cử tri cả nước, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) – Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Hàng vạn nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mít-tinh diễu hành chào mừng ngày bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước 23-4-1975. Ảnh tư liệu
Cuộc tổng tuyển cử lịch sử bầu ra Quốc hội chung cho cả nước
Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Khi ấy, dù non sông đã liền một dải nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước: Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đang là nhiệm kỳ Khóa V, được cử tri bầu ngày 6-4-1975. Và tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa V (đầu tháng 6-1975) đã bầu và phê chuẩn bộ máy nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, đất nước đã thống nhất, cần có Quốc hội thống nhất thực hiện chức năng bầu và phê chuẩn bộ máy nhà nước Việt Nam thống nhất, quy định Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất.
Hàng vạn nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mít-tinh diễu hành chào mừng ngày bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước 23-4-1975. Ảnh tư liệu
Theo đó, ngày 15-11-1975, đại biểu nhân dân hai miền đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà…; đặt ra việc quan trọng trước mắt là tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của cả nước Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành cùng một ngày trong cả nước. Việc bầu cử Quốc hội phải theo nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Trong điều kiện chưa có luật bầu cử hoàn chỉnh áp dụng cho cả nước, và thực tế bối cảnh chính trị – xã hội hai miền còn những khác biệt, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã nhất trí: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mỗi bên cử ra 11 người để thành lập Hội đồng Bầu cử toàn quốc, giám sát việc bỏ phiếu, tổng kết công tác bầu cử…
Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ở miền Nam, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Hội đồng cố vấn Chính phủ. Ở mỗi miền, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử có quyền và trách nhiệm cử ra Hội đồng Bầu cử miền để phụ trách việc bầu cử của miền. Riêng tỉnh Bình – Trị – Thiên có một phần ở miền Bắc, một phần ở miền Nam nên cả hai miền cùng phụ trách dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử toàn quốc. Những tỉnh, thành phố lớn, đông dân được bầu nhiều đại biểu thì có thể chia thành nhiều khu vực bầu cử. Số đại biểu của từng đơn vị bầu cử do cơ quan chủ trì bầu cử ở mỗi miền quy định…
Sáng 25-4-1976, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến bỏ phiếu tại hòm phiếu số 30, khu vực 1, khu phố Ba Đình (Hà Nội). Ảnh tư liệu
Đồng bào tích cực học chữ để có thể tự tay viết lá phiếu của mình
Tổng số đại biểu Quốc hội cả nước được Hội đồng Bầu cử toàn quốc ấn định là không quá 500 người. Các tỉnh miền Nam đã tiến hành điều tra dân số gấp để thiết thực phục vụ cho bầu cử bảo đảm chính xác, công bằng, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch nhà nước. Hội đồng Bầu cử miền đã giúp cơ quan chủ trì việc bầu cử miền trong việc nghiên cứu và quy định các vấn đề cụ thể xuất phát từ đặc điểm của miền Nam mới được giải phóng, chính quyền nhân dân đang từng bước được củng cố.
Công tác chuẩn bị tổng tuyển cử là một cuộc biểu dương lực lượng đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc của những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo, để họ sử dụng đúng đắn lá phiếu – quyền công dân của mình, hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội thống nhất của cả nước. Phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng ngày bầu cử Quốc hội đã được các địa phương, lực lượng vũ trang, các ngành, các đoàn thể quần chúng xây dựng và tổ chức các hoạt động cụ thể thiết thực. Ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, vùng dân tộc còn khó khăn, đồng bào chưa thoát nạn mù chữ đã tích cực học chữ để đến ngày bầu cử biết đọc, tự tay viết lá phiếu của mình.
Việc giới thiệu người ra ứng cử đã được tiến hành một cách thật sự dân chủ. Những người ra ứng cử ở miền Bắc đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; ở miền Nam do Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam giới thiệu. Danh sách người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi đưa lên Mặt trận Dân tộc thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu. Cả nước có 605 người ra ứng cử là những người tiêu biểu, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, tư sản dân tộc, đại biểu các dân tộc, các tôn giáo…
Cử tri khu phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm (Hà Nội) xem danh sách ứng cử viên trước khi bầu cử Quốc hội khóa VI. Ảnh: TTXVN
Những cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên và cử tri được tổ chức trong khắp các đơn vị bầu cử và khu vực bầu cử. Những cuộc trao đổi ý kiến về tiểu sử ứng cử viên được tổ chức đến tận xóm, ấp, bản, làng, đơn vị chiến đấu và cơ sở sản xuất, “tổ nhân dân”, “tổ đoàn kết”… Công tác này giúp cử tri tìm hiểu ứng cử viên, lựa chọn đại biểu ưu tú và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với công việc của nhà nước. Trước ngày bầu cử, hầu hết các thị xã, thành phố đều có mít tinh, diễu hành của quần chúng hoan nghênh Tổng tuyển cử. Riêng thành phố Sài Gòn, hàng chục vạn công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã xuống đường tuần hành. Tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị bộ đội, bệnh viện, trường học, phường, ấp… đều lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, kết hoa để chào mừng Tổng tuyển cử…
“Chẳng có niềm vui nào hơn thế!…”
Ngày 25-4-1976 đó thật sự là ngày hội lớn của toàn dân ta. Hơn 23 triệu cử tri, với tư thế người làm chủ đất nước đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tỷ lệ chung cử tri đi bầu cử là 98,77%. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đạt 100% quân số đi bầu; một số địa phương đạt hơn 99% số cử tri đi bầu cử.
Nhớ lại ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, bà Lê Thị Mài (75 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bồi hồi kể lại với chúng tôi: Tôi là người tham gia phục vụ ở đường Trường Sơn, hết chiến tranh được về quê để bầu cử. Thấu hiểu nỗi gian khổ, hy sinh, mất mát để có được hòa bình, thống nhất đất nước nên người dân rất vui mừng, phấn khởi đi bầu cử trong hòa bình trên quê hương mình. Không có niềm vui nào bằng được bầu cử trong hoàn cảnh quê hương đất nước thống nhất sau chiến tranh. Mấy lần bầu cử trước đó, người dân phải bầu ở dưới giao thông hào, phòng tránh pháo hạm, máy bay… Còn kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tháng 4-1976, bà con ai cũng phấn khởi vì không còn phải lo máy bay, pháo hạm nữa. Còn nhớ hôm đó, cờ hoa rợp trời, mọi người đều rất vui, bởi niềm vui non sông đã liền một dải hòa cùng với niềm nô nức đây là cuộc tổng tuyển cử chung trong cả nước sau hàng chục năm chiến tranh, đất nước bị chia cắt!
Cảm xúc trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày Bắc – Nam thống nhất vẫn còn như nguyên vẹn trong lòng ông Phạm Hồng Tâm (80 tuổi, Chí Linh, Hải Dương). Khi đó ông Tâm là một người lính bước ra từ cuộc chiến. Ông xúc động kể lại: Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, rồi sau 30 năm chìm trong khói lửa chiến tranh giải phóng dân tộc với bao hy sinh, mất mát, đất nước mới có cuộc Tổng tuyển cử lần thứ hai. “Cầm lá phiếu trên tay, được quyền lựa chọn người mình tín nhiệm và tin tưởng để bầu vào Quốc hội, tôi vô cùng xúc động, vừa bỏ lá phiếu của mình, vừa bỏ cho những đồng đội đã mất…
“Cuộc bầu cử này trải qua muôn vàn khó khăn, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà dân tộc ta mới có được. Giây phút cầm lá phiếu trên tay bỏ vào thùng phiếu để tạo lập nên chính quyền mới đầu tiên của đất nước thật sự mang lại cảm xúc khó tả cho những người bộ đội Cụ Hồ như chúng tôi. Niềm vui sướng vì đất nước đã qua những ngày gian khó, người dân giờ được sống trong hòa bình, tự do, được quyền bầu cử khiến tôi tự hào, vinh dự bởi để có được ngày hội của toàn dân hôm nay có sự đóng góp nhỏ bé của mình!”, ông Tâm chia sẻ.
Nhân dân Hà Nội đi bỏ phiếu bầu Quốc hội thống nhất, ngày 25-4-1976. Ảnh tư liệu
Tham gia nhiều cuộc bầu cử, chứng kiến nhiều sự đổi thay của đất nước nhưng cuộc bầu cử năm 1976 vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt trong ông Hoàng Xuân Soạn (78 tuổi, Đống Đa, Hà Nội). Ông xúc động nhớ lại: “Ngày đi bầu cử Quốc hội năm đó như một ngày hội lớn, cờ hoa rực rỡ, ai ai cũng phấn khởi cầm lá phiếu để bầu ra những người ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân để lãnh đạo đất nước..”
Ông vẫn nhớ như in không khí của ngày hội toàn dân lan tỏa đến từng con đường, từng ngõ nhỏ trước ngày đi bầu khá lâu. Loa tuyên truyền về công tác bầu cử được phát thường xuyên giúp người dân nắm rõ giá trị của những lá phiếu bầu cũng như thông tin về danh sách người ứng cử, cách bỏ phiếu… “Được cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, tôi thấy trào dâng niềm tự hào, sung sướng và trách nhiệm của một người dân nước Việt, bởi tôi hiểu rõ giá trị của mỗi lá phiếu bầu thiêng liêng ấy, biết bao xương máu của cha anh, đồng đội, người dân đã đổ xuống để toàn dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu lên một chính quyền mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân!”, ông Soạn nói.
Lời tuyên bố về vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất
Kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm đó, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Ở vùng mới giải phóng miền Nam, nhiều người là công nhân, nông dân lao động bình thường nhưng có thành tích xuất sắc, có uy tín cao đã được bầu vào Quốc hội; nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước được giới thiệu đã đắc cử. Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (Quốc hội khóa VI) diễn ra từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 đã bầu ra: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, hai Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và những cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước.
Cùng với đó, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xác định Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô là Hà Nội… Quốc hội đã bầu ra Chủ tịch nước, Chính phủ và những cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất để điều hành công việc của cả nước. Đặc biệt, Quốc hội khóa VI cũng đã xây dựng và thông qua Hiến pháp mới – Hiến pháp 1980…
Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhấn mạnh: “Với thắng lợi của kỳ họp này, chúng ta đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Anh em bầu bạn trên thế giới chia sẻ vui mừng với chúng ta… Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, phát huy mọi điều kiện thuận lợi do việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đem lại, để tiến tới hoàn thành thống nhất nước nhà về mọi mặt. Đồng thời, ra sức khắc phục những khó khăn về thanh toán những ảnh hưởng còn lại của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ; về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; về khôi phục kinh tế, ổn định đời sống; về cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về tăng cường và cải tiến quản lý nền kinh tế quốc dân”.
Phân tích rõ hơn về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử lịch sử năm đó, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, dù cuộc tổng tuyển cử năm 1976 là cuộc bầu cử chung trên toàn quốc lần thứ 2 nhưng được gọi là Quốc hội khóa VI bởi khi đất nước chia cắt, miền Bắc vẫn tổ chức bầu cử và cuộc bầu cử lần này đã bảo đảm tính liên tục về mặt pháp lý của nhà nước ta.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Nhìn vào kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ta thấy, đây là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nhìn vào kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ta thấy, đây là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam.
“Sau 30 năm chiến tranh ác liệt như vậy, cuộc tổng tuyển cử tháng 4-1976 có tầm quan trọng ngang với cuộc bầu cử ngày 6-1-1946 với tinh thần làm chủ của toàn dân. Có thể nói, cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là thống nhất về mặt pháp lý, tuyên bố với nhân dân trong nước và thế giới về đất nước Việt Nam độc lập. Còn cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 là thống nhất về mặt pháp lý nhà nước, cả hai miền Nam và Bắc có một Quốc hội thống nhất, một nhà nước thống nhất và chính quyền các cấp thống nhất. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI còn có ý nghĩa chính trị to lớn, tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất. Đặc biệt, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định quyền làm chủ đất nước của nhân dân Việt Nam, trong việc tự nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc!”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Theo QDND