Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài.

Tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt trước Quận ủy Đống Đa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

75 năm đã qua nhưng những bài học từ cuộc bầu cử đầu tiên (6/1/1946) vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Đó là trách nhiệm của Hội đồng bầu cử và cử tri cả nước khi bỏ lá phiếu để lựa chọn những người tài đức, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, với mục đích cao nhất là “vì vận mệnh quốc gia, dân tộc”.

Thực tế cho thấy chất lượng đại biểu dân cử có vai trò quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do vậy, để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng trước dân tộc, mỗi đại biểu Quốc hội phải là những người có năng lực trí tuệ và đạo đức xứng đáng.

Bởi thế, cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Điều đó thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 toàn quốc sẽ diễn ra trong ngày 23/5 tới đây sẽ là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

“Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài. Nói như vậy để thấy rằng cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng, chúng ta phải tập trung chỉ đạo làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, chọn được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị,” Tổng Bí thư nêu rõ.

Đây cũng chính là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cử tri trong việc lựa chọn và bỏ những lá phiếu mang “sức nặng” quyết định vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn mới.

Theo vietnam+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *