Từ lâu đời rồi, làng quê ở Gò Công (Tiền Giang) có tục lệ “Cúng cơm gạo mới”.
Trước kia, mỗi năm nông dân làm có một mùa lúa. Chậm nhất đến giữa tháng Chạp âm lịch thì gặt hái xong.
Ngoài giống lúa thường năng suất cao được gieo cấy đại trà, mỗi nông hộ còn cấy một ít lúa thơm ngon như Nàng hương, Nàng út, Gié vàng, Móng chim, lúa Tiêu, lúa Nhum, nếp than, v.v… dành để cúng cơm gạo mới, cúng giỗ, bán giá cao.
Gạo xay giã ra từ lúa mới gặt, nấu cơm dọn cúng Thần Nông và tổ tiên trước rồi mới được ăn. Lễ cúng đó là “Cúng cơm gạo mới”, mỗi năm cúng một lần. Ngày cúng do mỗi hộ nông dân sắp xếp, không thống nhất nhau.
Đồ cúng quan trọng nhất là cơm (cơm tẻ, cơm nếp). Gạo nấu cơm phải do gia đình sản xuất, không được dùng gạo mua hoặc mượn. Phải lựa gạo thơm ngon nhất, giã thật trắng, không lộn thóc – tấm, nấu thật khéo, không khô, không nhão. Khi cơm vừa chín, dở vung ra bay mùi thơm phức, đứng xa vài chục thước cũng nghe thơm. Đồ ăn bình thường như đám giỗ nhỏ. Bàn thờ có hoa quả, đèn, nhang như thường lệ. Bài trí riêng các mâm cúng Thần Nông, cúng đất đai và cúng tổ tiên.
Thực khách, ngoài người trong gia đình có mời nông dân láng giềng nghèo đã giúp cày cấy không có ruộng đất, không có điều kiện cúng kiếng. Chủ và khách quây quần ngồi ăn vui vẻ, thưởng thức hương vị của gạo mới, thành quả của sức lao động nặng nhọc đã bỏ ra. Vừa ăn vừa trao đổi kinh nghiệm canh tác, bàn tính lựa hco5n giống lúa cho mùa tới.
Cúng cơm gạo mới là một mỹ tục, có tác dụng nhắc nhở sự quý trọng hột gạo làm ra bởi sức lao động cực nhọc, sự nhớ ơn những người đem lại ruộng đất cho mình.
Ngày nay, nông dân ở Gò Công không cúng cơm gạo mới nữa. Có thể do mỗi năm làm được ba vụ lúa quay vòng kế tiếp, không biết vụ nào kết thúc rõ ràng vào ngày tháng nào để tổ chức lễ cúng cho đúng ngày. Và cũng có thể do ngày nay làm ra được hột gạo không quá cực khổ như ngày xưa.
Rất tiếc phong tục “Cúng cơm gạo mới” không còn nữa.
Trần Văn Canh – SGGP, 1998